Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Đề xuất nhiều điểm mới, có tính đột phá

(PLVN) - Cuối tuần qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (gọi tắt là Đề án) đã chủ trì phiên họp với Tổ Biên tập xây dựng Đề án về dự thảo lần 1 của Đề án.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tháng 5/2021, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, gồm 21 thành viên, trong đó có 8 Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp.

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp.

Trên tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, đầu tháng 6/2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp triển khai Quyết định của Bộ Chính trị. Tháng 7/2021, Ban Chỉ đạo đã tổ chức phiên họp đầu tiên, thống nhất ban hành kế hoạch xây dựng Đề án để phân công nhiệm vụ và xác định lộ trình thực hiện, thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án.

Vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây nên, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công 3 cuộc hội thảo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Các cuộc hội thảo quốc gia được tổ chức “trên tinh thần thật thẳng thắn, trách nhiệm, mạnh dạn..., với các đề xuất đột phá có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới”, tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, được đúc kết từ nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thực hiện phân công của Ban Chỉ đạo, từ tháng 7/2021, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng TANDTC, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC, Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, một số cấp ủy, tổ chức Đảng khác và các cơ quan nghiên cứu lý luận ở Trung ương đã khẩn trương xây dựng 27 báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng Đề án. Đến cuối tháng 3/2022, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đã tập hợp được hơn 4.000 trang tài liệu từ kết quả của 3 cuộc hội thảo quốc gia, 27 báo cáo chuyên đề.

Kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn và tổng hợp nội dung của các báo cáo chuyên đề, các cuộc hội thảo quốc gia đã giúp Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đúc rút được những luận điểm rất quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án.

Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thường trực Ban Chỉ đạo, sau 10 tháng làm việc khẩn trương, hiệu quả và quán triệt yêu cầu xuyên suốt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là đối với một đề án xây dựng nghị quyết của Đảng là viết sao cho “nhân dân dễ hiểu, được Đảng chấp nhận, thế giới công nhận, dễ vận dụng và dễ triển khai”, dự thảo lần 1 Đề án đã được hình thành để trình Ban Chỉ đạo theo đúng kế hoạch.

Nội dung dự thảo Đề án bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đề xuất nhiều điểm mới, có tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian tới.

Đọc thêm