Để cao tốc đúng nghĩa 'tốc độ cao'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ năm 2021 đến nay, toàn quốc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc (gọi tắt là đường cao tốc), nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác 1822km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những con số trên được Chính phủ nêu ra trong “Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội (QH) khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến Kỳ họp thứ 4”. Đó là những con số đáng tự hào.

Tại sao phải bố trí nguồn lực, tập trung vào công trình trọng điểm quốc gia đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Câu trả lời đơn giản nhất là nếu không có đường cao tốc, rất khó để giảm chi phí logistics, khó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Tuy nhiên, theo dõi chất vấn tại Kỳ họp QH với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thấy nổi lên một số nội dung như: Tại sao có những đoạn đường cao tốc nhưng tốc độ xe cơ giới chỉ được phép 80km/h, nghĩa là thậm chí còn thấp hơn đường quốc lộ thông thường? Một số đoạn đường cao tốc sao chỉ có 2 làn hoặc 4 làn xe, không có làn khẩn cấp? Một số đoạn đường cao tốc sao chưa có trạm dừng nghỉ? Về việc đường cao tốc nhưng không có làn khẩn cấp, ngay lãnh đạo Quốc hội cũng nhận xét: “Cao tốc không có làn dừng khẩn cấp nên chỉ cần có 1 xe gặp tai nạn hay bị xịt lốp là tắc nghẽn tất cả”. Quả là còn một số vấn đề bất cập.

Trước đây, khi đưa ra tiêu chuẩn Việt Nam về đường cao tốc, các chuyên gia trong ngành GTVT đã tranh luận về khái niệm “đường cao tốc” và “đường tốc độ cao”. Mấu chốt của vấn đề là tốc độ xe cơ giới được phép lưu hành bao nhiêu km/h mới được gọi “cao tốc”, thì chưa ai trả lời rõ ràng để thống nhất khái niệm. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành GTVT xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành quy chuẩn này trong quý I/2024.

Về nội dung “2 làn”, “4 làn” thì đúng là do nguyên nhân về vốn đầu tư, phải phân kỳ. Đây là tình trạng khó khăn chung, bởi khi mở rộng làn sẽ phải giải quyết câu hỏi tiền đâu ra; đồng thời xử lý các vấn đề ô nhiễm do bụi khói, tiếng ồn… Về trạm dừng nghỉ, đúng là cũng còn những khó khăn về vốn, về kỳ vọng hiệu quả, doanh thu, nên thậm chí kêu gọi xã hội hóa trạm dừng nghỉ cũng chưa thành công…

“Việc điều chỉnh tốc độ tối đa sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ GTVT đã hứa trước Quốc hội. Điều này có thể làm được ngay. Nhưng còn một số vấn đề khác không dễ thực hiện trong “một sớm, một chiều”; mà còn cần phải có vốn, có đầy đủ các tiêu chuẩn về giao thông, có cơ chế thu hút DN tư nhân cùng tham gia...

Đọc thêm