Để dân không phải “kêu cứu” khắp nơi

(PLO) - Thảo luận về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi sáng  23/6, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị phải có những quy định mạnh mẽ hơn để nâng cao chất lượng thi hành án, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án với cơ chế, chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không chấp hành nghiêm túc bản án, quyết định của tòa án.
Xử hình sự nếu cố tình không thi hành án
Thông thường, nếu bên có nghĩa vụ không thi hành án (THA) hành chính thì sẽ cưỡng chế thi hành. Nhưng trong tố tụng hành chính (TTHC) với đặc thù một bên là cơ quan công quyền hoặc người có chức vụ, quyền hạn, Đại biểu (ĐB) Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) băn khoăn: “Ai là người tổ chức cưỡng chế, ai có thể cưỡng chế chính quyền, chính quyền buộc phải THA như thế nào?”. 
Với tầm quan trọng của giai đoạn THA trong TTHC, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) lại nhận thấy Dự thảo Luật quy định về thủ tục THA chưa chặt chẽ, chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính khả thi trên thực tế. 
Vì vậy, theo ĐB, nên nghiên cứu xây dựng luật về THA hành chính để đảm bảo cho bản án hành chính được thi hành nghiêm chỉnh. Trước mắt, cần tiếp tục rà soát quy định ngay vào luật, biện pháp cụ thể mang tính bắt buộc để đảm bảo thi hành bản án, quyết định hành chính của tòa án, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước bắt buộc phải thi hành, kể cả phải chịu trách nhiệm hình thức kỷ luật, cách chức, cho thôi việc và xử lý hình sự nếu cố tình không THA. 
Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung trong các quy định về THA hành chính trong Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi), ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) thấy vẫn có tình trạng “cơ quan hành chính ban hành quyết định mới có nội dung như quyết định hành chính đã bị tòa án tuyên hủy trước đó”, thể hiện sự không nghiêm chỉnh chấp hành các bản án, quyết định của tòa án nên Dự thảo cần quy định chặt chẽ, chi tiết để mọi bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Ủy quyền xong lại đi xin phép thì không được
Để khắc phục tình trạng ủy quyền tùy tiện như thời gian qua, nhiều ĐB đề nghị luật cần quy định chặt chẽ theo hướng "Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện, có chức năng quản lý về lĩnh vực mà người dân khởi kiện. Riêng đối với UBND các cấp thì Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc ủy viên UBND cùng cấp". 
Khẳng định “người được ủy quyền tham gia TTHC là rất quan trọng nhưng nếu không cho ủy quyền thì rất khó khăn”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng phải ủy quyền cho người có trách nhiệm là cấp phó hầu tòa, chứ còn ủy quyền xong lại đi xin phép thì không được. Người được ủy quyền phải đưa ra những bằng chứng công khai tại phiên tòa mà tranh tụng với người dân trực tiếp.
Đồng thời, theo đa số ĐB Quốc hội, Dự thảo Luật cần quy định chế tài đối với người tham gia tố tụng không chịu hợp tác, gây khó khăn, làm cho việc giải quyết vụ án hành chính của tòa án kéo dài, quá hạn luật định. “Đây là vấn đề cốt lõi, thể hiện sự công bằng giữa bên khởi kiện là người dân và bên bị kiện là đại diện cho Nhà nước đã ra tòa là có quyền và nghĩa vụ ngang nhau” – ĐB Nghĩa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) chưa yên tâm nếu ủy quyền cho cấp phó “vì cấp phó không phải là người trực tiếp xử lý” mà “nên ủy quyền cho người trực tiếp xử lý quyết định là phù hợp”, vì đó là những người xử lý trực tiếp nên nắm chắc công việc nhất, sẽ giải quyết một cách nhanh chóng những vấn đề liên quan trong vụ kiện. 

Đọc thêm