Cấp Bộ trở xuống không được quy định thủ tục hành chính
Giới thiệu những điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật, ông Trần Văn Lợi – thành viên Tổ biên tập cho biết: Trên cơ sở ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội vừa qua, Dự thảo Luật dự kiến bổ sung một điều quy định về những hành vi bị nghiêm cấm.
Cụ thể, các hành vi bị cấm bao gồm: ban hành VBQPPL trái Hiến pháp, trái VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; ban hành văn bản không thuộc hệ thống VBQPPL quy định trong Luật này nhưng chứa quy phạm pháp luật; ban hành VBQPPL trái thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này; quy định thủ tục hành chính trong các VBQPPL của cấp Bộ trở xuống, trừ trường hợp được giao trong luật (thông tư; thông tư liên tịch; VBQPPL của chính quyền địa phương các cấp, của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt).
Đánh giá cao bước đột phá hơn nữa trong việc minh bạch hóa quy trình xây dựng VBQPPL của Dự thảo Luật, Trưởng ban Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Đậu Anh Tuấn cũng hoan nghênh việc bổ sung quy định trên. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các hành vi bị cấm còn chung chung, thậm chí trùng nhau.
Từ đó, ông Tuấn đề xuất quy định tại Dự thảo nên thêm ít nhất 2 nguyên tắc sau: Một là, các loại văn bản cấp Bộ, ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên (tương tự như cách Luật Đầu tư năm 2014 đang quy định là cấm Bộ, ngành, địa phương không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh); hai là, chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn chi tiết.
Lý giải cho đề xuất của mình, ông Tuấn phân tích: Bộ, ngành về bản chất là các cơ quan hành chính, có chức năng hành pháp, quản lý hành chính, không phải cơ quan lập pháp. Có điều vì nhiều nguyên nhân, hiện các Bộ, ngành vẫn là những đơn vị soạn thảo pháp luật chủ yếu.
Bởi vậy, cần có những quy định để giới hạn quyền ban hành văn bản pháp luật của Bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định và tình trạng cán bộ sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định khi mà nhiều thông tư hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ của họ hơn so với luật, nghị định hoặc từ chối thực hiện thủ tục cho người dân, doanh nghiệp với lý do chưa có thông tư hướng dẫn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, nên mạnh dạn đổi mới hơn nữa thì VBQPPL được ban hành mới có chất lượng cao hơn, sát cuộc sống hơn. Ngoài việc dự kiến bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, theo nguyên Thứ trưởng Liên, cần nghiên cứu cơ chế kiểm soát VBQPPL, đặc biệt với những VBQPPL từ cấp Chính phủ ban hành trở xuống có thể quy định cho dân được quyền khởi kiện.
Tòa có thẩm quyền giải thích pháp luật?
Điều 156 Dự thảo Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật. Quy định này không mới so với quy định hiện hành và trong thực tế, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc giải thích pháp luật là rất ít.
Thực tế này không xuất phát từ việc các VBQPPL đã rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng mà do không có thủ tục chi tiết để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng giải thích pháp luật, kể cả nếu có thủ tục thì với rất nhiều chức trách quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khó có thể thực hiện được hết việc giải thích pháp luật mỗi khi được yêu cầu.
Nhu cầu giải thích pháp luật trong thực tiễn là khá nhiều và đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền giải thích phải độc lập để đảm bảo tính khách quan, chính xác và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên. Trong bộ máy cơ quan nhà nước, Tòa án là cơ quan thích hợp để thực hiện hoạt động giải thích pháp luật bởi Tòa án là cơ quan xét xử có nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên. Hơn nữa, Tòa án hoạt động trên nguyên tắc khách quan và khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân sẽ hành động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không bị các yếu tố khác chi phối.
Mặt khác, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi hiện cũng bổ sung quy định Tòa án không được quyền từ chối vì thiếu luật và trong trường hợp đó, một trong những căn cứ mà Tòa án sử dụng khi xét xử là “nguyên tắc cơ bản của pháp luật và lẽ công bằng”. Điều này rất gần với việc giải thích pháp luật. Đây chính là cơ sở để một chuyên gia pháp luật kiến nghị xem xét bổ sung vai trò của Tòa án trong hoạt động giải thích VBQPPL.