Hai trong số những nội dung đáng chú ý theo Luật mới ban hành là cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giao huyện, xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến tán thành quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã, tuy nhiên đề nghị cần quy định chặt chẽ phạm vi, thủ tục, quy trình ban hành, nhất là đối với cấp xã. Ngược lại, có ý kiến đề nghị không giao thẩm quyền ban hành VBQPPL cho chính quyền cấp huyện, cấp xã.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành VBQPPL là cần thiết.
Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung, chỉnh lý Dự thảo Luật quy định rõ hơn căn cứ ban hành, phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, ban hành VBQPPL để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Bình đẳng giới. Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành không được quy định thêm hay mở rộng so với VBQPPL; nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, nguồn lực tài chính.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung quy định bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của VBQPPL; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong VBQPPL; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Có chế tài nếu văn bản không bảo đảm chất lượng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và các cá nhân khác trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý và chế tài xử lý các chủ thể khi có hành vi vi phạm quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định về trách nhiệm theo hướng: Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành; cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành VBQPPL trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành VBQPPL trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL được phân công thực hiện. Đồng thời, đây cũng là một trong những căn cứ để đại biểu Quốc hội xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Luật Ban hành VBQPPL có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.