Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là niềm vinh dự, tự hào của cả nước cũng như của nhân dân các dân tộc 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Cùng với niềm vui về sự vinh danh là trách nhiệm về công tác bảo tồn, để di sản sống mãi trong cộng đồng.
Xòe - biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng
Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), một nhà nghiên cứu văn hóa Thái lâu năm cho biết: Trong kho tàng dân ca dân vũ của dân tộc Thái thì Xòe chiếm một lượng lớn và có một vị trí rất quan trọng. Người Thái múa Xòe không chỉ nhằm thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước, mà còn thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc. Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động, đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội. Đặc biệt, Xòe Thái có tính bình đẳng rất cao. Khi đã vào vòng Xòe, không còn phân biệt giàu nghèo hay đẳng cấp. Trong bất cứ tiệc lớn, tiệc nhỏ như mừng nhà mới, đám cưới hoặc Xên bản, Xên mường mà không Xòe thì họ coi bữa tiệc đó không vui, không thành công.
Nói về nguồn gốc sự ra đời của những điệu Xòe, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến lý giải: Mường Lò là đất tổ của người Thái Đen, ngay từ khi đặt chân đến vùng đất màu mỡ, trù phú nhưng còn hoang sơ này, những người tiên phong trong cuộc sinh cơ lập nghiệp luôn phải chống lại kẻ thù 2 chân và 4 chân. Xòe phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông đoàn kết chống kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai và mong ước một cuộc sống sinh sôi nảy nở. Không những thế, khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, người Thái dần dần nhận thức rõ về vũ trụ, về mối quan hệ thiên - địa - nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Những điệu Xòe ra đời như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa nhân sinh cao đẹp, những triết lý sâu sắc, những điều đó ẩn chứa những giá trị văn hóa trong từng động tác, từng điệu Xòe.
Những điệu Xòe chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ của người Thái, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái, cùng với những điệu khắp chữ tình, các điệu khèn, điệu pí, Xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Qua mỗi điệu Xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu đời, yêu người để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với miền tin yêu sáng trong vô hạn. Qua những điệu Xòe người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thuở sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, Xòe phản ánh hiện thực cuộc sống, bởi vậy có giá trị giáo dục đạo đức cho mỗi con người, góp phần làm nên một bản sắc cốt cách văn hóa không thể pha trộn. Xòe làm tăng giá trị biểu cảm, đồng thời góp phần khẳng định bản chất con người của người Thái, kiên cường bất khuất, dũng cảm khiêm tốn, sáng tạo và cần cù hướng con người tới lý tưởng cao thượng, lối sống lành mạnh bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng tình cảm cao đẹp.
“Xòe không chỉ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ, mà còn là tri thức dân gian có tác dụng kích thích phát triển của con người, góp phần giúp con người thêm yêu tự nhiên, sống thuận với tự nhiên, biết điều chỉnh hành vi lối sống cho phù hợp với đạo làm người. Xòe Thái là giá trị phi vật thể vô giá trong kho tàng văn hóa Thái nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung mang một sắc Thái riêng, mang tính cội rễ từ thuở mở cõi”, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến nhấn mạnh.
Bảo tồn để di sản sống mãi trong cộng đồng
Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh trở thành niềm vui, niềm tự hào của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc cũng như cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đi cùng với niềm vui khi di sản được vinh danh là trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn để di sản tiếp tục trao truyền và thực hành trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại không chỉ là cơ hội cho Việt Nam quảng bá các di sản của mình ra thế giới, mà quan trọng hơn đó là sự trợ giúp cho cộng đồng chủ thể di sản và các cộng đồng liên quan nhận thức rõ giá trị vai trò của di sản để ứng xử cho phù hợp, giúp di sản đóng góp vào đời sống văn hóa, kinh tế của cộng đồng và xã hội.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Xòe Thái được ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại sẽ làm tăng thêm nhận thức và tầm quan trọng của di sản trong việc kết nối với những cá nhân cộng đồng người Thái và các dân tộc khác. Sự ghi danh này càng làm tăng thêm lòng nhiệt tình của thành viên cộng đồng và người ngoài cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ gìn giữ và thực hành các điệu Xòe. Việc ghi danh cũng là cơ hội để Xòe ở các bản mường Tây Bắc và mọi người trên khắp đất nước Việt Nam biết đến, nâng cao sự tôn trọng đối với sự sáng tạo của nhân loại trong việc thể hiện khát vọng chung của con người về một cuộc sống bình an, vui vẻ, hạnh phúc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, việc cần làm là triển khai các hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa, nhận diện giá trị hiện trạng của di sản, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, vinh danh nghệ nhân, nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể nói riêng và của chủ thể xã hội nói chung về giá trị của di sản.
Bí Thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, việc tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Xòe Thái nói riêng luôn được các tỉnh quan tâm thực hiện. Từ những năm 1990 đến nay, chính quyền các cấp và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, điển hình như: thành lập, duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng (hiện 4 tỉnh có khoảng 3.300 đội văn nghệ); phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu Xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật Xòe Thái; truyền dạy thông qua giáo dục chính quy và không chính quy, xây dựng các dự án, chương trình, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương...
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định: Để tiếp tục phát huy giá trị di sản, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp cùng với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La thực hiện chương trình hành động như trong hồ sơ đã đệ trình UNESCO, trọng tâm là tiếp tục lan truyền, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian cũng như mỗi người dân đều thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến, truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái đến đông đảo cộng đồng, đưa nghệ thuật Xòe Thái vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục của các địa phương. Tỉnh cũng sẽ thực hiện nhiều chương trình dự án đồng thời với việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Xòe Thái cùng các hoạt động văn hóa cũng như phát triển xã hội. Yên Bái đã đưa nghệ thuật Xòe Thái vào giảng dạy trong các trường học, tổ chức lễ hội thường niên Tuần văn hóa Du lịch Mường Lò, trong đó đưa nghệ thuật Xòe Thái thành hoạt động văn hóa phổ biến để kết hợp với hoạt động du lịch để quảng bá nghệ thuật này. Tỉnh cũng xây dựng các chương trình, đề án về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó coi việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái là một trong các đối tượng ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước cũng như của cộng đồng, để thông qua các hoạt động kinh tế bảo tồn và phát huy cao nhất giá trị của nghệ thuật xòe Thái đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa của mỗi địa phương.
Ông Đỗ Đức Duy cho biết thêm, Yên Bái sẽ cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái. Từ đó, xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương.
Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu cũng có định hướng đưa Xòe Thái vào thực hành biểu diễn trong các dịp lễ hội, các bản văn hóa du lịch, trình diễn trong các chương trình giao lưu văn hóa… để giới thiệu Xòe Thái với du khách trong nước và quốc tế…
Xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, cộng đồng dân tộc Thái các tỉnh Tây Bắc vô cùng tự hào, niềm tự hào ấy sẽ thành trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, người Thái nói riêng. Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) khẳng định, ông cùng với cộng đồng sẽ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của mình, đoàn kết, đồng lòng bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Xòe Thái. Cá nhân ông sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, truyền dạy để nghệ thuật Xòe Thái mãi mãi lan tỏa, trường tồn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Lả (81 tuổi) ở Sơn La cũng chia sẻ niềm vui khi Xòe Thái được công nhận và khẳng định, ông sẽ cùng chính quyền, cùng cộng đồng tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị di sản bằng những việc làm thiết thực nhất.
Với sự đồng lòng của cơ quan quản lý văn hóa, của chính quyền địa phương và cộng đồng thực hành di sản, nghệ thuật Xòe Thái sẽ càng được phát huy và lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng.