Để đô thị không phải “mặc áo pháp lý” của nông thôn

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương, hình thành nên nhiều đô thị mới đòi hỏi phải có những đặc trưng riêng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền đáp ứng yêu cầu phát triển và quyền lợi của người dân…là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý thảo luận tại Hội thảo “Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt nam” do Báo Nhân dân, Bộ Nội vụ và TP.HCM phối hợp tổ chức sáng qua (13/9) tại Hà Nội.

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương, hình thành nên nhiều đô thị mới đòi hỏi phải có những đặc trưng riêng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền đáp ứng yêu cầu phát triển và quyền lợi của người dân…là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý thảo luận tại Hội thảo “Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt nam” do Báo Nhân dân, Bộ Nội vụ và TP.HCM phối hợp tổ chức sáng qua (13/9) tại Hà Nội.

Điều kiện đã chín muồi?

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhận định: “Phát huy kết quả thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện phường cho thấy điều kiện đã chín muồi để triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng tổ chức chính quyền địa phương với cơ quan đại diện của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với quyền làm chủ của nhân dân, có cơ chế tự chủ và trách nhiệm cao hơn”. Đây cũng là vấn đề được đặt ra trong quá trình hoàn thiện chế định về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Xây dựng chính quyền đô thị bên cạnh việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo các vấn đề an sinh của người dân được tốt hơn, cũng đặt ra hàng loạt vấn đề như vai trò lãnh đạo của Đảng trong bộ máy chính quyền đô thị cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền, những lợi ích mang lại cho nhà nước, xã hội và người dân nên Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu khẳng định, “việc nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị phù hợp để phục vụ nhu cầu phát triển và đáp ứng quyền lợi của người dân hiện nay là hết sức cần thiết”.

Qua kết quả nghiên cứu tổ chức chính quyền nói chung và chính quyền đô thị nói riêng ở nước ta, PGS.TS.Trương Đắc Linh (Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý, Đại học Luật TP.HCM) nhận thấy, do không kế thừa quan điểm về sự khác biệt giữa quản lý và tổ chức bộ máy chính quyền ở địa bàn nông thôn và đô thị nên hệ thống pháp luật đang đồng nhất cơ sở pháp lý cho các cấp chính quyền ở địa bàn nông thôn cũng như đô thị.

PGS.TS Trương Đắc Linh: “Mô hình chính quyền đô thị dù được thiết kế như thế nào cũng phải bảo đảm quyền làm chủ của cộng đồng dân ở đô thị”

“Hậu quả là TP trực thuộc TƯ dù rất khác các tỉnh về điều kiện kinh tế, địa lý, dân cư, kết cấu hạ tầng… nhưng đang phải mặc chung “chiếc áo pháp lý” của tỉnh quá chật hẹp. Tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cứng nhắc như nhau” khiến bộ máy cứ ngày càng cồng kềnh, chống chéo, gây lãng phí và thiếu đồng bộ trong quản lý nhà nước.

Theo quan điểm của PGS.TS.Trương Đắc Linh, mô hình chính quyền đô thị dù được thiết kế như thế nào cũng phải bảo đảm quyền làm chủ của cộng đồng dân ở đô thị, là chủ thể quan trọng nhất thực hiện quyền lực ở địa phương một cách trực tiếp và thông qua các cơ quan đại diện do cử tri bầu ra (HĐND), cũng như cơ quan chấp hành và điều hành (cơ quan hành chính của chính quyền đô thị) mà người đứng đầu cơ quan này do cử tri trực tiếp bầu hoặc cơ quan đại diện bầu.

Cần tính toán đến sự giao thoa yếu tố nông thôn và đô thị

Cho rằng các đô thị đang được “nông thôn hóa bởi nếp sống, nếp nghĩ của cư dân và sự giằng co khó dứt với địa bàn nông thôn, hoạt động nghề nghiệp liên quan đến nông nghiệp tại các đô thị hiện nay”, PGS.TS.Vũ Thị Phụng (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) trăn trở trước ý tưởng “áp dụng những mô hình tổ chức chính quyền đô thị của châu Âu hiện đại vào đô thị Việt Nam”.

Nên “để người dân trực tiếp bầu được chính quyền đô thị phải xem lại trình độ của người dân đã đủ khả năng lựa chọn được một chính quyền của mình, đủ khả năng quản lý đô thị chưa khi nhận thức của đa số còn “ấu trĩ” về mô hình chính quyền đô thị, cũng như chưa thoát được cách nghĩ của những người sống trong môi trường luôn có sự giao thoa giữa đô thị và nông thôn” - PGS.TS.Vũ Thị Phụng lưu ý.

Tán thành những nhận định của PGS.TS.Vũ Thị Phụng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Lê Trọng Lý nhấn vào “đặc thù của Việt Nam là đa phần là nông dân, cùng với câu chuyện “lợi ích nhóm” ngày càng rõ nét nên “cần có bước đi và tính toán khi xây dựng mô hình chính quyền địa phương, trong đó có chính quyền đô thị, với sự chú trọng đến tăng cường giám sát hoạt động của chính quyền và ghi nhận được nhiều nhất tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.

Với các yêu cầu “kế thừa tính hợp lý của Hiến pháp hiện hành, đảm bảo cơ bản sự ổn định của bộ máy chính quyền, xác định nguyên tắc phân cấp cho chính quyền địa phương, đảm bảo sự thống nhất của chính quyền, thống nhất trong thực hiện pháp luật, sự tự chủ của địa phương”, dự kiến chế định về chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hoặc sẽ được qui định cụ thể “tổ chức chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính, có tính đến đặc thù của đô thị, nông thôn, hải đảo” hoặc chỉ qui định khái quát tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới và đa dạng hóa về tổ chức hành chính, đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền. Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh, dù qui định theo cách nào thì cũng phải “làm rõ nguyên tắc phân cấp, phần quyền để tổ chức chính quyền địa phương”.

Huy Anh 

Đọc thêm