Đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

(PLVN) - Một trong những điểm đáng chú ý được quy định tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản là tăng mức phạt đối với nhiều hành vi cản trở hoạt động báo chí, hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên. 
Ảnh minh họa

Phạt nặng hành vi đe dọa tính mạng nhà báo

Đáng chú ý Nghị định mới được Chính phủ ban hành quy định đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt đến 100 triệu đồng. Cụ thể, tại điểm d khoản 9 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, đối với hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên thì tổ chức có thể bị phạt đến 100 triệu đồng; cá nhân có thể bị phạt đến 50 triệu đồng. Trước đây, đối với hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên thì tổ chức có thể bị phạt đến 60 triệu đồng; cá nhân có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 14/2022/NĐ-CP còn tăng mức phạt tiền đối với các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí như sau: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên (trước đây phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng); phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên (trước đây phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng).

Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên (trước đây phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng).

Theo Nghị định, mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với tổ chức; mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.

Phạt nặng hành vi làm lộ danh tính của người tố cáo

Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san.

Theo đó, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (trước đây là 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng) đối với các hành vi: đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; đăng, phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam; đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; không thực hiện việc đăng, phát ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tác phẩm báo chí theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 43 Luật Báo chí.

Đăng, phát thông tin, chương trình dành cho trẻ em không đảm bảo tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng trên báo chí; không thực hiện đúng các yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em trên báo chí; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí; tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó; đăng, phát thông tin xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín của cá nhân.

Đáng lưu ý, Nghị định cũng bổ sung thêm một điểm ở nhóm hành vi này là: đăng, phát thông tin tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 8 Nghị định này.

Tăng mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng (trước đây là 30 triệu đến 50 triệu đồng) đối với các hành vi như: miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật; đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Đăng, phát thông tin về thân nhân, các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh các thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giới thiệu, quảng bá, đặt đường dẫn trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật; thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng.

Nghị định mới cũng tăng mứcphạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng) đối với các hành vi: đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng; đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đăng, phát thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, đồi trụy; thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đồng thời bổ sung điểm mới vào nhóm xử phạt này là: đăng, phát thông tin tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần hoặc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc bị đe dọa, trù dập, cô lập, kỳ thị hoặc gây thiệt hại về tài sản, trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác.

Nghị định 14/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/01/2022. Theo Nghị định mới, đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét xử lý mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định của Nghị định này.

Đọc thêm