Nắm nguồn gốc phát sinh hàng gian, hàng giả
Tại hội nghị tổng kết công tác 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục QLTT diễn ra ngày hôm qua - 21/1, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng đã thẳng thắn thừa nhận: “Mặc dù lực lượng QLTT đã có nhiều nỗ lực trong những năm qua, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế”. Ông Linh đánh giá, hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các gian lận thương mại khác diễn biến ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô. Các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ và hoạt động tinh vi diễn ra trên địa bàn liên tỉnh, toàn quốc ngày càng gia tăng.
Gian lận thương mại hiện không chỉ ở một địa bàn cục bộ cấp xã, huyện, tỉnh mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội… đang trở thành một kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng cấm mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý.
Theo đó, nếu không thực hiện tốt công tác QLTT thì sẽ không tạo được lòng tin đối với gần 100 triệu người tiêu dùng ở trong nước; không tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp, cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước; ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng Việt Nam; làm xấu đi hình ảnh của thị trường Việt Nam đối với thế giới.
“Chính vì vậy, nhiệm vụ của lực lượng QLTT đặt trong bối cảnh mới, đó là phải vì sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Lực lượng này không chỉ kiểm tra trên khâu lưu thông mà cả khâu sản xuất, nắm được nguồn phát sinh các loại hàng giả, kém chất lượng chứ không chỉ đi phạt người bán là xong”, ông Linh khẳng định.
Ngoài ra, những khó khăn trong công tác tổ chức bộ máy mới theo tư duy mới cũng là một thách thức, một khó khăn không nhỏ đối với Tổng cục QLTT. Do đó, đơn vị này xác định sự đoàn kết là yếu tố quan trọng và Tổng cục quyết tâm đổi mới để khẳng định vị trí vai trò, đặc biệt khắc phục các khuyết điểm yếu kém thời gian qua để tiến tới xây dựng lực lượng thực thi công vụ nghiêm minh, xây dựng một thị trường lành mạnh.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, trong số 7 lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý thị trường thì QLTT đang là lực lượng chủ công thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 trong phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận thương mại với kết quả đóng góp 50% số vụ việc mà các ngành chức năng đã xử lý trong năm 2018. Theo ông Thế, hoạt động của lực lượng QLTT là rất quan trọng và phải làm toàn bộ hệ thống thị trường nội địa, trách nhiệm rất lớn.
Gắn trách nhiệm quản lý với người đứng đầu ngành ở địa phương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, tổng kết công tác năm 2018 của Tổng cục QLTT đã gợi mở những định hướng giải quyết trong thời gian tới . Tuy nhiên, ông muốn có những đánh giá sâu hơn, thực tế hơn, làm sao để sau hội nghị tổng kết này có thể giúp cho lãnh đạo Bộ có những gợi ý giúp Tổng cục QLTT hoạt động hiệu quả.
Bộ trưởng cho rằng, QLTT là lực lượng chủ công trong quản lý các hoạt động sản xuất buôn bán hàng hóa nhưng không thể làm một mình. Tổng cục QLTT cũng sẽ là công cụ quan trọng trong quản lý kinh tế và việc tổ chức lại lực lượng QLTT là một đột phá của ngành Công thương. Ông hy vọng sự thay đổi này sẽ là nguồn lực mới để Tổng cục QLTT có sự đột phá, tạo đà bứt phá cho ngành công thương trong năm 2019 và các năm sau này.
“Ý tưởng đột phá phải chăng là đổi mới phương thức hoạt động QLTT, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, thậm chí đòi hỏi mức độ khái quát và toàn diện hơn nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự tương tác qua lại giữa các nền kinh tế mạnh hơn thì lực lượng QLTT lại càng đóng góp vai trò lớn trong bảo vệ có hiệu quả nền sản xuất và thị trường nội địa, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng vì quy mô hoạt động, vi phạm luật pháp về hàng giả, gian lận thương mại còn rất đa dạng và quy mô lớn hơn nhiều.
Bộ trưởng cho rằng, với lực lượng QLTT, điều quan trọng nhất là thống nhất nhìn được những bất cập của ngành. “Dọc hay ngang mà vẫn bình mới rượu cũ thì không thể làm được. Phải cần những con người tinh thông nghiệp vụ để thực thi các hoạt động quản lý. Còn nhiều vấn đề chủ quan mà chúng ta thấy đau xót, còn nhiều vấn đề tác động vào làm sa sút về mặt phẩm chất cần phải nhìn nhận để đổi thay”, người đứng đầu ngành Công thương nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không thể chấp nhận tình trạng hàng giả hàng nhái tiếp diễn ở khắp nơi, cần nhận rõ trách nhiệm của Tổng cục, của địa phương trong các hiện tượng tiếp diễn liên tục ở từng địa phương, phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ngành ở địa phương.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục luôn trăn trở làm thế nào để có ý tưởng mới nhằm triển khai hiệu quả công tác để đáp ứng những kỳ vọng trong quản lý thị trường qua đó tạo ra một môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Triển khai hệ thống xử lý vi phạm điện tử
Tổng cục QLTT đã tổ chức khai trương Hệ thống cổng thông tin điện tử. Ngay khi chính thức chuyển sang mô hình hoạt động theo ngành dọc, lực lượng QLTT đã đặt ưu tiên triển khai ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử trong công tác QLTT từ đầu năm 2019.
Theo đó, Tổng cục QLTT sẽ có các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tập trung, xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất của toàn lực lượng; Đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lực lượng; Tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả trong các hoạt động. Đồng thời lưu trữ, cung cấp, chia sẻ thông tin để đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan.
Theo đó, từ ngày 15/2, Tổng cục sẽ chỉ dùng văn bản điện tử, không phát hành văn bản giấy và ngay từ tháng 3/2019 sẽ tổ chức hệ thống báo cáo điện tử. Sau đấy sẽ tiếp tục triển khai Hệ thống chứng từ điện tử; Hệ thống báo cáo kiểm tra xử lý vi phạm hành chính điện tử để tránh xử phạt trùng.