Để nền tảng trực tuyến xuyên biên giới không 'bức tử' điện ảnh Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới đang có tác động lớn đến ngành công nghệ điện ảnh Việt Nam. Sự tác động này diễn ra ở hai chiều, vừa thúc đẩy, vừa đặt điện ảnh Việt trước những thách thức lớn.
Phim Việt được phát sóng và yêu thích trên nền tảng xuyên biên giới. (Ảnh chụp màn hình)
Phim Việt được phát sóng và yêu thích trên nền tảng xuyên biên giới. (Ảnh chụp màn hình)

Điện ảnh Việt đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt

Gần 10 năm trở lại đây, người ta thấy được sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng giải trí trực tuyến. Không thể phủ nhận, sự bùng nổ của nền tảng này giúp người dùng mở rộng tầm nhìn, dễ dàng tiếp cận với một số lượng khổng lồ video, âm nhạc, phim ảnh, tin tức, sách điện tử và nhiều nội dung giải trí khác từ khắp nơi trên thế giới.

Cùng với các mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Instagram, các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Amazon Prime, Disney+, YouTube và Spotify... đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Đây là nơi người dùng có thể xem phim, chương trình truyền hình, nghe nhạc và tận hưởng nhiều loại nội dung giải trí, đồng thời sự phát triển của mạng xã hội cũng thúc đẩy sự lan tỏa nội dung trực tuyến khắp thế giới.

Cũng chưa bao giờ, người làm phim, nghệ sĩ và nhà sáng tạo khác có thể tạo ra nội dung và kết nối với khán giả toàn cầu một cách dễ dàng đến thế. Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng đặt ra nhiều thách thức cho điện ảnh Việt liên quan đến cạnh tranh, bản quyền, quản lý nội dung...

Các nền tảng trực tuyến quốc tế có nguồn lực tài chính và kỹ thuật vượt trội, cung cấp nhiều lựa chọn cho người xem. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt và phải cạnh tranh với các bộ phim và chương trình truyền hình quốc tế ngay trên “sân nhà” là một thách thức lớn cho ngành Điện ảnh Việt Nam. Để thu hút người xem, ngành Điện ảnh Việt Nam vừa cần đầu tư vào sản xuất nội dung chất lượng cao và cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo ra nội dung chất lượng và thú vị, đồng thời cũng cần phải nắm vững xu hướng và sở thích của khán giả quốc tế, những vấn đề không hề dễ dàng.

Một cái khó nữa là vấn đề bản quyền và quyền phát sóng trên các nền tảng trực tuyến. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đối mặt với những hạn chế liên quan đến quyền phát sóng và phân phối nội dung trên các nền tảng trực tuyến quốc tế.

Có thể thấy, sự phát triển của nền tảng trực tuyến quốc tế có thể gây ra nguy cơ mất thị trường nội địa khi người xem ưu tiên nội dung ngoại. Nguồn thu và sự phát triển của ngành Điện ảnh Việt Nam có thể bị ảnh hưởng một cách trực tiếp và đáng kể.

Theo thống kê của cơ quan quản lý, đến hết quý II/2022, thị trường truyền hình trả tiền có mức tăng trưởng về doanh thu xấp xỉ 9,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu dịch vụ OTT TV tăng trưởng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Truyền hình trả tiền, các nền tảng xuyên biên giới chiếm tới 80% thị phần, phần còn lại thuộc về thị trường trong nước.

Cụ thể, theo con số từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), thống kê nửa đầu năm 2022, doanh thu cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng Internet đạt khoảng 350 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng nhẹ so với con số 634 tỷ đồng hồi năm ngoái. Trong khi đó, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đạt doanh thu khoảng 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 với 16,9 triệu thuê bao, lượng thuê bao tăng trưởng không đáng kể. Tính đến giữa năm 2022, có 38 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này ở trong nước. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam lại “lép vế” trên chính “sân nhà” khi phần lớn thị phần nằm trong tay nền tảng xuyên biên giới.

Đặc biệt, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt cũng thường xuyên lên tiếng về vấn đề cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp giải trí Việt và các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có các vấn đề về cấp phép, kiểm duyệt... Hiệp hội Truyền hình trả tiền cũng nhiều lần gửi văn bản kiến nghị cơ quan quản lý siết chặt hoạt động với nền tảng xuyên biên giới và đưa các doanh nghiệp nội - ngoại cạnh tranh trên cùng mặt bằng.

Cần nắm bắt cơ hội

Thông qua các nền tảng xuyên biên giới, điện ảnh Việt cùng với các giá trị văn hóa được quảng bá rộng rãi đến người xem quốc tế. (Nguồn ảnh: Nhà sản xuất)

Thông qua các nền tảng xuyên biên giới, điện ảnh Việt cùng với các giá trị văn hóa được quảng bá rộng rãi đến người xem quốc tế. (Nguồn ảnh: Nhà sản xuất)

Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, thách thức luôn đi kèm với cơ hội và sự phát triển mạnh mẽ của nền tảng xuyên biên giới mặc dù có phần o ép chính điện ảnh Việt trên “sân nhà”, nhưng cũng đem lại cho thị trường điện ảnh trong nước nhiều cơ hội quan trọng để bứt phá, thông qua và tiếp cận một lượng lớn người xem quốc tế.

Các nền tảng trực tuyến cho phép ngành Điện ảnh Việt Nam tiếp cận một thị trường quốc tế rộng lớn mà trước đây khó khăn hoặc tốn kém để thực hiện. Sự không biên giới của nền tảng trực tuyến là một phương tiện tuyệt vời có thể giúp sản phẩm điện ảnh Việt dễ dàng đến được với người xem toàn cầu, ngay từ khâu quảng bá. Điều này mở ra cơ hội để phim Việt Nam khán giả đón nhận ở nhiều quốc gia, giúp quảng bá văn hóa và nghệ thuật Việt Nam trên trường quốc tế.

Trên thực tế, những năm qua, đã có không ít bộ phim Việt vượt khỏi biên giới, được người xem quốc tế yêu thích, được mua bản quyền phát sóng, thậm chí mua kịch bản để remake ở nhiều quốc gia, điều này là minh chứng cho cơ hội mà nền tảng xuyên biên giới đem lại cho điện ảnh Việt.

Cạnh đó, các đạo diễn, biên kịch, diễn viên và những người làm phim cũng có thể xây dựng danh tiếng bên ngoài biên giới và mở rộng cơ hội làm việc với các đối tác quốc tế. Có thể thấy rõ ở việc nghệ sĩ Việt được biết đến ở nhiều nền điện ảnh khác, được mời đóng những bộ phim chất lượng của nước ngoài, xuất hiện trên các chương trình giải trí nổi tiếng nước ngoài trong những năm qua.

Với việc phân phối nội dung số, bao gồm cả việc tạo ra nội dung mới và chia sẻ các bộ phim đã được sản xuất trên nền tảng trực tuyến, các sản phẩm điện ảnh - truyền hình trong nước cũng thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn trong phân phối sản phẩm đến khán giả.

Các giao dịch quyền phát sóng và hợp tác với các nền tảng trực tuyến cũng có thể tạo nguồn thu bổ sung cho ngành Điện ảnh Việt Nam và tạo ra nhiều cơ hội về đầu tư, sản xuất các bộ phim chất lượng cao và phát triển ngành điện ảnh. Hàn Quốc là một minh chứng cho nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ nhờ nội lực và nhờ vào “đòn bẩy” của nền tảng trực tuyến. Quốc gia này liên tục có những sản phẩm điện ảnh - truyền hình nằm trong top đầu về số lượng người xem trực tuyến trên thế giới. Bằng việc tận dụng các lợi thế của nền tảng trực tuyến, điện ảnh Hàn Quốc đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của người dân toàn cầu, trong đó có người xem ở nhiều quốc gia có nền điện ảnh vượt như Mỹ và một số nước châu Âu. Sau sự thắng lớn của hàng loạt dự án phim phát sóng trên nền tảng xuyên biên giới, điện ảnh Hàn Quốc đã thu hút nhiều nguồn đầu tư lớn từ khắp thế giới, trong đó có Netflix với 2,5 tỉ USD.

Cơ hội đặt ra trước mắt là không nhỏ, nhưng để tận dụng được cơ hội này, điện ảnh Việt cũng còn khá nhiều việc phải làm, từ việc nâng cấp chất lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, nắm bắt xu thế cho đến hợp tác quốc tế. Cạnh đó, công nghiệp điện ảnh Việt cũng không thể hoàn toàn dựa vào cơ hội đến từ các nền tảng xuyên biên giới, mà cần nỗ lực tạo ra những nền tảng của riêng mình tại thị trường của chính mình.

Và một yếu tố quan trọng không thể thiếu là bảo đảm cạnh tranh công bằng trên “sân nhà”. Điều này cần đến những hỗ trợ về chính sách từ Nhà nước và các cơ quan quản lý, nhằm bảo đảm doanh nghiệp điện ảnh Việt không bị thiệt thòi, lép vế ở thị trường trong nước, được tạo cơ hội tốt nhất để phát huy tiềm lực.

Điều đáng mừng là thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 (năm 2016) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định siết chặt việc quản lý doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời có nới lỏng những quy định gây khó trước đây cho doanh nghiệp điện ảnh Việt. Doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tham gia thị trường phải thực hiện thủ tục như doanh nghiệp nội.

Một điểm quan trọng của Nghị định là việc nới lỏng quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung video theo yêu cầu cho doanh nghiệp trong nước. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý đến như các vấn đề về kiểm duyệt, hậu kiểm, phát hành phim, phổ biến phim và vấn nạn vi phạm bản quyền... cũng cần có những quy định cụ thể, hợp lý và phù hợp với sự phát triển của nền điện ảnh.a