Đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả

(PLVN) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành Giao thông, đường sắt đô thị.

Tiếp tục phiên làm việc sáng 22/7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025.

Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

Theo ông Thanh, UBKT nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, sau 4 năm đầu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến phát triển KTXH. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; năm 2020 vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa duy trì, phục hồi và phát triển KTXH; về tổng thể giai đoạn 5 năm 2016-2020 đã đạt những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung xử lý các vấn đề KTXH khó khăn, thể hiện sự quyết liệt, năng động, nhất quán, sâu sát. Môi trường đầu tư, kinh doanh; thủ tục hành chính; điều kiện kinh doanh; kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm thực chất. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 20 bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc.

Kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn; các cân đối lớn được bảo đảm; lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,78%/năm; năm 2020 là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến. Cải cách hành chính; bộ máy quản lý nhà nước; tinh giản biên chế được chú trọng và đạt mục tiêu đề ra.

Công tác thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thực chất hơn...

Tuy nhiên, nổi lên một số vấn đề về KTXH cần quan tâm như: Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có bứt phá lớn, kết quả thực hiện 03 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là kết cấu hạ tầng. Thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, số vượt thu chủ yếu là các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai.

Một số chính sách năm 2020 kết quả thực hiện rất thấp so với mục tiêu, nhất là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ Tổng công ty Hàng không Việt Nam triển khai chậm. Kinh tế tư nhân chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn; vẫn thiếu cơ chế, chính sách.

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên còn cao; chất lượng việc làm chưa bền vững. Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu. Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực còn bất cập, chưa kịp thời...

Các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc sáng 22/7.

Về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025, UBKT cho rằng, các chỉ tiêu hằng năm cần phấn đấu đạt cao hơn; đề nghị trong điều hành cần quan tâm một số chỉ tiêu cụ thể: môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chi phí logistics, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, tỷ lệ nội địa hóa. Báo cáo rõ về phương pháp xác định đối với chỉ tiêu kinh tế số so với GDP.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, UBKT cơ bản đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như đã nêu trong Báo cáo, đề nghị Chính phủ quán triệt bám sát Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; xử lý dứt điểm cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém; xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc ngành Giao thông, đường sắt đô thị.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện, triển khai chiến lược vaccine.

Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; đổi mới quản lý hoạt động văn hóa, quan tâm xây dựng các chuẩn mực văn hóa, đạo đức con người Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa. Đầu tư xây dựng, phát triển, quản lý quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ, thông minh, xanh, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 04 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp. Phát huy các lợi thế chính trị, đối ngoại để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân...

Đọc thêm