Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, hàng hóa của Việt Nam và Hoa Kỳ không cạnh tranh nhau mà bổ trợ cho nhau. Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động rà soát, giảm nhiều sắc thuế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần DN hoạt động, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Giầy da, túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Samsung Việt Nam, Tập đoàn SOVICO… đều nhấn mạnh thị trường Hoa Kỳ là thị trường quan trọng, có tính dẫn dắt; bày tỏ quan ngại với việc áp thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Sau tuyên bố áp thuế của Mỹ: Doanh nghiệp cần chủ động trao đổi với đối tác nhập khẩu
Vấn đề Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam là nội dung nóng nhất được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ, ngày 4/4 của Bộ Công Thương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng “cần bình tĩnh, sẽ có những giải pháp kịp thời để hóa giải các thách thức. Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị tích cực, tận dụng cơ hội liên quan đến độc lập tự chủ nền kinh tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng”.
Thứ trưởng Tân cho biết, sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi công hàm sang Mỹ, Bộ cũng đã liên hệ với các cơ quan ngoại giao và các kênh khác nhau tại Mỹ… để thu xếp có cuộc điện đàm với Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Mỹ. Về cơ bản, Việt Nam đã sẵn sàng và chuẩn bị nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề mà Mỹ quan tâm cũng như giải thích rõ hơn về chính sách xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế… và các nội dung khác.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khuyến nghị, bản thân các DN ngoài việc rà soát các hoạt động kinh doanh của mình cũng cần trao đổi với đối tác nhập khẩu, cùng thảo luận để đưa ra các giải pháp thích hợp nhất trong tình hình mới. “DN sẽ gặp thách thức khó khăn trong ngắn hạn nhưng về dài hạn có thể là phát triển tốt”, lời ông Tân.
Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương): “Thị trường Hoa Kỳ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu. Do đó, Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa”.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và DN để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025. Các DN xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có đó là 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Song song đó, các DN cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Các ý kiến cho rằng, ngành hàng nông, lâm, thủy sản, giầy dép mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ không chỉ là những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao, có lợi thế so sánh, mà còn bổ trợ cho nền kinh tế, có lợi cho người tiêu dùng Hoa Kỳ. Việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là cả hai cùng có lợi; các DN, hiệp hội khẳng định sẵn sàng tăng cường nhập khẩu sản phẩm từ Hoa Kỳ; cung cấp chứng cứ để chứng minh xuất xứ, năng lực để phục vụ cho quá trình đàm phán và “bằng mọi cách cần phải giữ được thị trường này”.
Tại cuộc họp, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đánh giá cao cách ứng xử kịp thời, hài hòa của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ áp thuế.
Đại diện Hiệp hội, Hội đồng cũng đề cập đến các lợi thế của Việt Nam, đồng thời tham vấn về các công việc cần tập trung triển khai thực hiện để thúc đẩy thương mại giữa hai nước; cũng như những nội dung cần bàn thảo, đàm phán, tháo gỡ các rào cản, thách thức để có các biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả với các vấn đề Hoa Kỳ nêu ra để hai nền kinh tế cùng phát triển.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính… khẳng định phía Việt Nam tiếp tục đối thoại, rà soát để xem xét, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật, điều chỉnh các sắc thuế đối với các nhóm mặt hàng, ngành hàng; mong muốn được nhập khẩu các sản phẩm khoa học, công nghệ, các nhóm hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, Hoa Kỳ có thế mạnh để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại hai nước; điều hành tỉ giá, lãi suất, tín dụng phù hợp, phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu;…
Đại diện các Bộ, ngành đề nghị Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN kiến nghị với chính quyền của Tổng thống Donald Trump tăng cường đối thoại; tạm hoãn việc áp mức thuế mới (khoảng 2 - 3 tháng) trong thời gian hai bên tiến hành đàm phán, tìm được tiếng nói chung.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Việt Nam luôn luôn chủ động, cầu thị, phối hợp mạnh mẽ với phía Hoa Kỳ để đàm phán thuế một cách công bằng; chống vấn đề trung chuyển hàng hóa, đẩy mạnh thương mại hai chiều theo hướng cả hai cùng có lợi. Đơn cử, vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP, trong đó đã giảm nhiều dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Khẳng định thiện chí đàm phán để sớm tìm được tiếng nói chung, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1 - 3 tháng để đàm phán, hướng tới bảo đảm công bằng về thuế. Việt Nam cũng sẽ triển khai các giải pháp để tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hoa Kỳ; mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số,…
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ giữ nguyên giá để chờ kết quả đàm phán; đồng thời chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả để “giữ thị trường” Hoa Kỳ.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính): Đàm phán và sẵn sàng sử dụng công cụ pháp lý quốc tế
|
PGS.TS Ngô Trí Long. |
Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ (hiện chiếm khoảng 28 - 30% tổng xuất khẩu), đẩy mạnh các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi. Đàm phán song phương và tranh thủ cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Việt Nam cần chủ động làm việc với phía Mỹ thông qua các kênh thương mại song phương, đồng thời sẵn sàng sử dụng các công cụ pháp lý quốc tế.
Song song đó, DN cần nâng cao năng lực nội tại và cải tiến công nghệ sản xuất tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng công nghệ và chất xám trong sản phẩm để vừa tăng giá trị, vừa tránh các rào cản kỹ thuật. Chủ động đáp ứng quy định xuất xứ và quy tắc thương mại mới tăng tỷ lệ nội địa hóa, minh bạch hóa chuỗi cung ứng để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ từ Mỹ. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP… để giảm tác động từ thị trường Mỹ, đồng thời mở rộng các kênh xuất khẩu sang các đối tác có cam kết thuế quan ưu đãi.
Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu hỗ trợ DN chuyển từ gia công sang thiết kế, xây dựng thương hiệu riêng, chủ động nguyên vật liệu, từ đó nâng cao năng lực chống chịu trước biến động quốc tế.
Việc bị áp thuế và dựng hàng rào kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực và đe dọa mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025. Tuy nhiên, với chiến lược đúng đắn và linh hoạt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến nguy thành cơ.
PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Doanh nghiệp cần “thắt lưng buộc bụng”
|
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. |
Trước việc Mỹ áp thuế một số ngành hàng, sản phẩm với mức thuế 46%, chúng ta phải làm rõ cơ sở của việc tăng thuế này, đồng thời đề xuất phía Mỹ nên “mềm hóa” mức thuế này. Hiện, Việt Nam và Mỹ đang ở mức đối tác toàn diện nên chúng tôi hy vọng Mỹ cũng sẽ có những đối ứng mềm dẻo hơn với Việt Nam.
Tôi nghĩ Chính phủ nên có những giải pháp để hỗ trợ DN. Cụ thể, trên bàn đàm phán, Chính phủ phải tìm cách đàm phán giảm thuế quan vì mức đó là quá cao, khó bảo đảm cho việc kinh doanh ổn định. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thúc đẩy các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, làm sao để các chi phí phi chính thức giảm bớt, cải cách thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho DN.
Về phía DN, phải tiết giảm chi phí, “thắt lưng buộc bụng”, thậm chí chịu lỗ trong một thời gian nhất định để đợi một chu kỳ mới. Bên cạnh đó, phải đổi mới, tái cơ cấu DN, đa dạng hóa thị trường, liên doanh liên kết với các DN Mỹ, hoặc có thể chuyển hướng kinh doanh sang các nước khác…
Với những tác động về tăng thuế quan, chắc chắn xuất khẩu sang thị trường Mỹ của DN Việt Nam sẽ giảm. Tuy nhiên, hiện nay, dư địa xuất khẩu vẫn còn rất nhiều, nếu chúng ta khai thác được các thị trường khác thì cũng có thể bù đắp được chi phí. Chưa nói đến thị trường châu Á - Thái Bình Dương cũng có thể khai thác sâu.
Đoan Trang - Vân Hương (ghi)