Kinh tế tư nhân vùng Trung du và miền núi phía Bắc vươn mình cùng đất nước

Kỳ 3: Chính quyền kiến tạo - đòn bẩy để kinh tế tư nhân phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu trực tiếp đi kiểm tra dự án gặp vướng mắc tại huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), ngày 28/3/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu trực tiếp đi kiểm tra dự án gặp vướng mắc tại huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn), ngày 28/3/2025.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Chính quyền địa phương tạo môi trường đầu tư thông thoáng, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ DN sẽ là những giải pháp quan trọng cho DNTN phát triển mạnh và bền vững. Các tỉnh trong cả nước nói chung và vùng TD&MNPB nói riêng đều có những cách riêng để thu hút đầu tư, kích thích kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển.

Bắc Giang là một trong những tỉnh được đánh giá là “điểm sáng” trong việc cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh. Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, nhờ việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ năm 2020 đến nay, trừ năm 2021, năm nào Bắc Giang cũng tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước. “Nhịp tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phát triển nhanh và mạnh”, ông Sơn nói. Trong đó, năm 2024, Bắc Giang tăng trưởng kinh tế đạt 13,85%, cao nhất cả nước. Năm 2025, Bắc Giang tiếp tục đặt mục tiêu trưởng cao, với 13,6%.

Ông Mai Sơn cho biết, để đón đầu các nhà đầu tư tư nhân trong cả nước đến Bắc Giang làm ăn, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút. Theo đó, Bắc Giang thực hiện quy hoạch tỉnh từ rất sớm, nhất là quy hoạch về đất đai, giao thông, hạ tầng điện, khu - cụm công nghiệp. Khi đã có quy hoạch chung, các dự án cụ thể sẽ được triển khai một cách thông suốt, không theo kiểu vừa thực hiện, vừa phải điều chỉnh quy hoạch. Ngoài ra, Bắc Giang đã chuẩn bị sẵn về hạ tầng, nhất là hạ tầng về khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông, xây dựng, điện...

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang sớm lập ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính (TTHC), giúp các DN giải quyết nhanh các thủ tục. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thường xuyên đối thoại với các DN để kịp thời nắm bắt các khó khăn, từ đó chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc cho DN trên tinh thần không có khó khăn nào không được giải quyết.

Ngoài ra, theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, xác định môi trường đầu tư kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút DN đầu tư vào địa bàn. Trong đó, chú trọng thực hiện cải cách hành chính, giải quyết những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách là ưu tiên hàng đầu của tỉnh với nhiều quy định được ban hành mới cũng như sửa đổi, bổ sung, cập nhật phù hợp pháp luật hiện hành.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của KTTN, thời gian tới tỉnh Bắc Giang xác định tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương với các DN để xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch. Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng DN”, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư, DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để DN kinh doanh hiệu quả. Nhờ tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà thời gian qua, nhiều DNTN lớn đã đến Lạng Sơn tìm kiếm cơ hội đầu tư như Sun Group, T&T Group, GP.Invest, Trường Thịnh Phát, Flamingo...

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế, trong đó chú trọng KTTN.

Nhiều dự án hạ tầng về giao thông, điện, khu - cụm công nghiệp đang tiếp tục được tỉnh Lạng Sơn thực hiện, hoàn thiện, sẽ là động lực tăng trường mới cho kinh tế, thu hút các nhà đầu tư. Tỉnh cũng sẽ triển khai các chính sách, các quy định để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đáp ứng triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Cần tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ

Ông Vũ Lân, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm qua, việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt có nhiều nhà đầu tư lớn đến với Lào Cai là do hoạt động xúc tiến đầu tư đã tạo sức lan tỏa và có hiệu quả. Tỉnh Lào Cai quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động để khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Phân tích thêm về việc Lào Cai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Vũ Lân cho biết, Lào Cai đã quyết liệt cải cách TTHC, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng thông tin trong công tác quản lý, tạo thuận lợi tối đa cho DN, nhằm xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch. Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các DN bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tăng cường đầu tư hạ tầng số.

Lào Cai cũng tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đặc biệt là công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn để các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư. Để có quỹ đất thu hút nhà đầu tư, trong các năm qua, tỉnh đã quy hoạch xây dựng thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, bền vững; nỗ lực thu hút đầu tư vào phát triển logistic, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm; thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu thông qua việc xây dựng và vận hành hiệu quả cửa khẩu số, tiến tới là cửa khẩu thông minh; xây dựng thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai, để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, trong những năm qua, Lào Cai đã tập trung cải thiện mạnh mẽ chỉ số cơ sở hạ tầng (giao thông, khu công nghiệp, điện và đô thị), trong đó có thể kể đến như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn mở rộng, dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không Sa Pa... Đây là các dự án quan trọng giúp tăng cường năng lực kết nối Lào Cai với các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển và sân bay, giúp nâng cao năng lực sản xuất, tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch, dịch vụ.

Ngoài ra, tỉnh đang tăng tốc xúc tiến đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Võ Lao - huyện Văn Bàn, Cụm công nghiệp Thống Nhất 1, đẩy nhanh tiến độ các hạ tầng khác như cầu Bản Vược, đường Kim Thành - Ngòi Phát, tăng cường đầu tư vào hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý môi trường tại các khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới của TP Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà...

“Với những chính sách, giải pháp như trên, trong những năm vừa qua, tỉnh Lào Cai là nơi dừng chân của nhiều tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư chiến lược lớn đến với tỉnh như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty Cổ phần KOSY... Với những kết quả đã đạt được, những động lực phát triển trong thời gian tới, Lào Cai đang phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, trở thành trung tâm kết nối, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại của vùng TD&MNPB”, ông Vũ Lân chia sẻ.

Ông Lân đánh giá, KTTN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung, Lào Cai cũng không ngoại lệ. “Tuy đã phát triển rất nhanh và phát triển ở nhiều lĩnh vực nhưng vẫn còn một số hạn chế”, ông Vũ Lân đánh giá và cho rằng cần phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đồng thời cắt giảm TTHC để tạo điều kiện cho KTTN phát triển. “Để KTTN thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế cần phải có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, đây sẽ là “chìa khóa” giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế”, ông Vũ Lân nhấn mạnh.

Theo đó, vị lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền triệt để hơn, Trung ương cần có quy định riêng về phát triển KTTN, tạo động lực cho khu vực KTTN phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế.

Về các thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai, theo ông Vũ Lân, việc cải cách TTHC phải đi vào thực chất; cần loại bỏ được các khâu trung gian trong quá trình giải quyết thủ tục. Việc thực hiện các TTHC về lĩnh vực đầu tư, đất đai cần phải được thực hiện bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền về đầu tư, đất đai trong quá trình giải quyết TTHC. Phương thức thực hiện phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. “Ngoài ra, cần quyết liệt thực hiện việc giảm đầu mối, giảm thời gian trong quá trình giải quyết các TTHC”, ông Vũ Lân nói.

Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

“Khi biết DN nào đó gặp khó khăn về TTHC, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng sắp xếp thời gian, làm việc trực tiếp với DN, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc. Khi đã hiểu được các nguyên nhân gây khó khăn cho DN, lãnh đạo tỉnh sẽ yêu cầu, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm khắc phục những “điểm nghẽn” đó, tạo điều kiện nhanh nhất, tốt nhất để DN hoạt động, yên tâm sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết.

Đọc thêm