Phòng ngừa rủi ro pháp lý: Có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà thầu không thể không tham gia các giao dịch, ký kết các hợp đồng. Do đó, việc xác định và phòng ngừa hiệu quả các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong đầu tư có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển (L&D), Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội.
GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển (L&D), Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội.

Rủi ro đáng quan ngại của các nhà đầu tư

Đối với doanh nghiệp, mục đích cốt lõi nhất - nếu không nói là mục đích duy nhất - là lợi nhuận. Không có doanh nghiệp nào đầu tư vào một quốc gia hay một lĩnh vực nào mà ở đó họ không nhận thấy có cơ hội để thu được lợi nhuận. Lợi nhuận càng cao thì càng hấp dẫn càng nhà đầu tư, nhà thầu. Tuy nhiên, bất cứ môi trường đầu tư nào cũng đều ẩn chứa các rủi ro. Rủi ro đến từ nhiều khía cạnh khác nhau và luôn luôn biến đổi khó lường. Trong đó, rủi ro pháp lý được đánh giá là rất đáng quan ngại với các nhà đầu tư.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển (L&D), Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, rủi ro pháp lý bao gồm rủi ro nội bộ và rủi ro bên ngoài. Sự phân biệt giữa rủi ro pháp lý nội bộ và rủi ro pháp lý bên ngoài cũng chỉ mang tính chất tương đối vì cũng dễ có sự chuyển hóa rủi ro nội bộ thành rủi ro bên ngoài và ngược lại.

Trong số các rủi ro pháp lý nội bộ thì rủi ro về lạm quyền, vượt quá quyền hạn, tham ô của các chức danh lãnh đạo công ty và nhất là các quan hệ lao động. Sa thải người lao động, vi phạm các chế độ an sinh xã hội của người lao động thường làm phát sinh các rủi ro pháp lý nội bộ của doanh nghiệp. Các rủi ro này cũng dễ chuyển hóa thành rủi ro bên ngoài.

Rủi ro pháp lý bên ngoài đáng lo hơn đối với doanh nghiệp. Trong thực tiễn hoạt động tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, GS Hạnh khẳng định một thực tế là nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất rất lớn, không gượng nổi dẫn đến phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.

GS Hạnh cho rằng, các nhà đầu tư, nhà thầu trực tiếp chịu nhiều rủi ro và rất nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý bắt nguồn từ thể chế đầu tư. Điều này đặc biệt cần lưu tâm trong bối cảnh Việt Nam nơi mà pháp luật thay đổi nhanh vì nhiều lý do khác nhau. Các rủi ro pháp lý đang cản trở việc hiện thực hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và từ đó giảm đi sức hút, sức cạnh tranh của đất nước đối với các nguồn vốn đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Hạn chế rủi ro, hài hòa lợi ích đồng nghĩa với kỳ vọng bứt phá

Có chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rủi ro pháp lý phát sinh từ việc không biết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Khác với rủi ro khi vi phạm quy định nội bộ/chuyên môn tại doanh nghiệp, người vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu doanh nghiệp và trước doanh nghiệp. Rủi ro pháp lý khiến cho người liên quan phải đối mặt với các trách nhiệm trước pháp luật, trước Nhà nước, thậm chí có thể bị án phạt tù.

Cũng theo GS Hạnh, rủi ro đến từ nhiều góc độ của thể chế đầu tư. Tính bao phủ của các quan hệ kinh tế, xã hội phát sinh từ hoạt động đầu tư, nhất là trong bối cảnh các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế số đang được vận hành có sự liên kết không chỉ với các vấn đề kinh tế, thương mại mà cả các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường thì các rủi ro càng trở nên đa dạng hơn. Thể chế hiện hành của đất nước đang được ráo riết hoàn thiện với một định hướng chiến lược nổi bật trong bối cảnh hiện tại là thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá, phát triển thì việc hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, nhà thầu, hài hòa lợi ích của họ đồng nghĩa với sự kỳ vọng bứt phá.

GS Hạnh nhấn mạnh, rủi ro pháp lý phức tạp và vô cùng khó lường. Rất khó để doanh nghiệp có thể tiên liệu và kiểm soát chúng ngay từ đầu. Trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà thầu không thể không tham gia các giao dịch, ký kết các hợp đồng. Do đó, việc xác định và phòng ngừa hiệu quả các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong đầu tư có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

* PGS.TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM: Bảo đảm thực thi nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” đối với đầu tư nước ngoài

PGS.TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM.

PGS.TS Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP HCM.

Trong số các hiệp định thương mại - đầu tư mà Việt Nam ký kết thời gian gần đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), cho thấy các Hiệp định này có sự quan tâm đặc biệt đến việc tái cân bằng mối quan hệ bất cân xứng giữa các quyền của quốc gia tiếp nhận đầu tư với quyền của nhà đầu tư trong các hiệp định đầu tư quốc tế (IIAs) truyền thống. Các quy định này giúp các bên ký kết, một mặt, khuyến khích đầu tư quốc tế, mặt khác, bảo đảm việc thu hút đầu tư này không làm hạn chế quá mức quyền ban hành các biện pháp quản lý gắn với chủ quyền quốc gia.

Cũng cần lưu ý rằng EVIPA chỉ là một trong số hơn 80 IIA và FTA của Việt Nam, các quy định của EVIPA chỉ có hiệu lực đối với các hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, thông qua kinh nghiệm với EVFTA - EVIPA, Việt Nam có thể cũng xây dựng cách tiếp cận tương tự trong đàm phán IIAs khác, đặc biệt cần lưu ý đàm phán các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương (BITs) hết thời hạn áp dụng hoặc đối với các IIAs sẽ được đàm phán trong tương lai. Việt Nam cần tích cực và chủ động hơn nữa trong việc hợp tác với các đối tác của mình nhằm bảo đảm rằng các IIAs ký kết trong tương lai dành sự lưu tâm đặc biệt đến quyền điều chỉnh của Nhà nước. Đây là những cơ sở quan trọng để thể chế hóa chủ trương “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” của Chính phủ ở cấp độ pháp luật quốc tế.

* TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: Xây dựng sandbox từ góc độ nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

TS Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Về nguyên tắc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), một là, cần bảo đảm sự cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ lợi ích xã hội, kiểm soát rủi ro. Cơ chế thử nghiệm cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ mới mà không gây ra rủi ro hệ thống hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự kinh tế - xã hội. Cơ quan quản lý cần xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể để kiểm soát tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và thị trường.

Hai là, việc thử nghiệm phải được thực hiện dựa trên các tiêu chí rõ ràng, công khai về phạm vi, thời gian, điều kiện thử nghiệm. Doanh nghiệp tham gia có trách nhiệm báo cáo đầy đủ kết quả thử nghiệm, các rủi ro phát sinh và biện pháp khắc phục nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các bên liên quan.

Ba là, khung thử nghiệm cần có khả năng điều chỉnh dựa trên kết quả thực tiễn, cho phép điều chỉnh các quy định theo sự thay đổi của công nghệ và mô hình kinh doanh. Cần có cơ chế đánh giá định kỳ để bảo đảm tính hiệu quả của khung thử nghiệm và khả năng chuyển đổi thành quy định pháp lý chính thức khi phù hợp...

* Luật sư Trần Tuấn Phong, Luật sư sáng lập Công ty Luật quốc tế Việt Nam VILAF: Thúc đẩy tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước

Luật sư Trần Tuấn Phong, Luật sư sáng lập Công ty Luật quốc tế Việt Nam VILAF.

Luật sư Trần Tuấn Phong, Luật sư sáng lập Công ty Luật quốc tế Việt Nam VILAF.

Bên cạnh việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước cụ thể, Việt Nam phải hợp lý hóa môi trường điều tiết rộng hơn so với môi trường vốn thường kìm hãm hoạt động kinh doanh và làm chậm tiến độ thực hiện dự án, cả đối với các doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài (FDI). Cam kết tinh giản bộ máy hành chính của Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn đến việc giảm đáng kể số lượng Bộ, ban, ngành và các cơ quan nhà nước khác nhưng điều này phải đi đôi với những nỗ lực tương tự trong việc cắt giảm quy định, đặc biệt là việc cấp phép xây dựng, mua sắm thiết bị và thúc đẩy tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước.

Hay về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Trong khi vai trò của công nghệ đã được ghi nhận, trụ cột này nhấn mạnh vào việc tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia vượt ra ngoài những lợi ích do FDI thúc đẩy như mục tiêu của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Các cải cách thể chế phải hướng sự chú ý đến các ưu đãi về thuế, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác giữa trường đại học và ngành công nghiệp để nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp và mở rộng quy mô các công ty công nghệ địa phương. Đổi mới sáng tạo cần được định hướng một cách công bằng trong trường hợp của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Nhà nước có thể lùi lại để khu vực tư nhân đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc thúc đẩy thay đổi công nghệ... U.San

Đọc thêm