Theo đánh giá của Tổng cục THADS, những tháng đầu năm, các Quy chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành liên quan như Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, qua đó tăng cường trách nhiệm giữa các ngành có liên quan trong công tác THADS, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THADS.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tổ chức cán bộ thuộc Tổng cục THADS và các cơ quan THADS; làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14; làm việc với Văn phòng Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính cho ý kiến về Đề án giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành, tồn đọng nhiều năm; phối hợp với TANDTC, VKSNDTC ban hành văn bản hướng dẫn một số vấn đề phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại địa phương, công tác phối hợp trong hoạt động THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả nhất là trong chỉ đạo công tác phối hợp thi hành án, tổ chức cưỡng chế, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, những vụ việc khó khăn, phức tạp. Nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo THADS đã tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động, định kỳ họp giải quyết các vụ việc THADS hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục THADS, công tác phối hợp với một số cơ quan, đơn vị có liên quan trong một số trường hợp hiệu quả chưa cao, nhất là trong công tác giải thích án tuyên không rõ, có sai sót; giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại địa phương đối với các vụ việc chưa thống nhất quan điểm giải quyết; trong công tác bảo vệ cưỡng chế; giao, nhận vật chứng; thi hành án đối với người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, hành chính trong 6 tháng cuối năm 2019, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo cơ quan Công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự, đảm bảo cưỡng chế thi hành án hiệu quả, kịp thời; kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án; chuyển giao vật chứng, tài sản, giấy tờ tạm giữ đúng thời hạn.
Bộ Tài chính tiếp tục tập trung chỉ đạo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thẩm định giá tài sản để thi hành án, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm; Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát chính sách tín dụng; nghiên cứu cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua; kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản.
Đề nghị TAND các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển giao bản án, quyết định; nhanh chóng giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên không rõ, đảm bảo tính khả thi. VKSND các cấp tăng cường kiểm sát, trong đó chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính…