Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động gia tăng. Quý I có gần 80.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động. 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn 58% là thua lỗ, đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao.
Việt Nam đang hướng đến có hơn 2 triệu doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020. Do đó, đề nghị rà soát ngay và quyết định loại bỏ những quy định rườm rà, lỗi thời. Nếu chúng ta nhận thức chậm trễ ngày nào là kìm hãm quyền tự do kinh doanh ngày đó.
VCCI thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia, phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.
Theo định hướng đó, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng,có hai việc cần phải làm ngay. Thứ nhất, phải có những giải pháp, chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để đảm bảo an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp. Việc thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành nhiều ưu tiên, khích lệ cho doanh nghiệp ngay sau khi đảm nhận cương vị mới |
Muốn vậy, cũng theo Chủ tịch VCCI, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư mới... thì cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng.
Cũng tại buổi đối thoại, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ - Amcham đề nghị để thúc đẩy DN phát triển,Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán đồng thời thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghiệp, công nghiệp….
Về môi trường, đại diện Amcham mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, kiến nghị ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả…
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Doanh nghiệp năm 2016 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đại diện hàng trăm doanh nghiệp trong cả nước.
Hội nghị nhằm đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hai nội dung chính của Hội nghị là: Xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh; trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp ngày 29/4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP HCM ký cam kết với VCCI trước sự chứng kiến của Thủ tướng về việc tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.