Để giải đáp những thắc mắc của các Đại biểu Quốc hội, cùng với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC tham gia “chia lửa” hỗ trợ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an đã đề xuất có quy trình điều tra đặc biệt với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
“Truy” trách nhiệm
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) phản ánh thực trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ 1 cháu, thì có ít nhất có 10 cháu bị 2 vụ, với tính chất cực kỳ nghiêm trọng.
“Vậy xin hỏi Bộ trưởng, giải pháp nào là căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?” - Đại biểu Tuấn nêu câu hỏi.
Đã có thời gian dài theo đuổi vụ việc một cháu bé ở Thủ Đức (TP HCM) bị xâm hại và có nhiều văn bản kiến nghị sự việc trên, khi tham gia chất vấn, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thẳng thắn nói: “Chúng ta có 17 cơ quan phụ trách bảo vệ trẻ em chứ không riêng gì Bộ LĐTBXH, thế nhưng dường như khi gặp các gia đình trẻ em bị xâm hại tôi thấy họ rất đơn độc”.
Đại biểu Nhưỡng còn dẫn câu nói “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” khi nhắc lại vụ bé gái bị xâm hại ở Cà Mau, lúc cháu nói thì không nghe nhưng khi cháu tự tử mới khởi tố vụ án. Đây là sai lầm và không nên để những câu chuyện như vậy tiếp tục xảy ra.
Trả lời chất vấn của các Đại biểu, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung dẫn chứng trên thế giới bình quân mỗi năm có 150 triệu trẻ em bị bạo hành, trong đó khoảng 73 triệu trẻ em trai. Châu Á -Thái Bình Dương là khu vực có có tỷ lệ trẻ em bị bạo hành cao nhất.
“Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại mỗi năm. Đây là số liệu được thu thập từ 3 kênh khác nhau, nhưng theo nhìn nhận của chúng tôi, đây mới chỉ là phản ánh, còn số thực tế có thể tăng lên” - Bộ trưởng Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Dung, hệ thống pháp luật đảm bảo quyền lợi cho trẻ em cơ bản đồng bộ. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐTBXH thừa nhận thời gian qua có một số vụ việc để kéo dài, xử chưa nghiêm minh, đặc biệt, có vụ có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao rồi mới tiến hành. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cấp, các ngành đánh giá thực chất lại hoạt động của mình.
“Còn đối với Bộ LĐTBXH, hầu như các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, đơn vị đều có ý kiến trực tiếp. Nhiều vụ tôi trực tiếp có ý kiến như vụ xét xử Nguyễn Khắc Thủy, sáng kết thúc phiên tòa, chiều tôi đã trao đổi trực tiếp với Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC thể hiện với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi không đồng tình với kết quả này. Hay vụ án Hồng Quang Minh (Minh béo), về nước khi bị xử vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, Bộ đã có ý kiến với cơ quan chức năng và được chấp nhận” - Bộ trưởng Dung nói.
Tham gia tranh luận sau phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội chưa hài lòng với con số 2.000 trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em mà Bộ trưởng LĐTBXH cung cấp.
Theo bà Nga, báo cáo của các cơ quan tư pháp cho thấy mỗi năm chỉ riêng xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra 1.500 vụ. Bà Nga thẳng thắn đặt câu hỏi về trách nhiệm, giải pháp của Bộ trưởng LĐTBXH, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Cả hệ thống phải vào cuộc
Để giải đáp những thắc mắc của các Đại biểu và theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia “chia lửa” hỗ trợ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.
Giải trình làm rõ thêm nhiều ý kiến mà Đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết số lượng các vụ xâm hại trẻ em đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến với nhiều hình thức phức tạp từ hành vi cho tới các đối tượng.
Thống kê 5 tháng đầu năm nay đã có tổng cộng 682 vụ xâm hại trẻ em. Đây mới là số liệu được điều tra xác định chưa kể các trường hợp không phát hiện, không tố cáo. Trong số những vụ xâm hại trẻ em đã được điều tra, phát hiện, Bộ trưởng Công an cho biết đã xử lý tổng cộng 759 kẻ xâm hại với 735 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có tới 84% số vụ xâm hại là xâm hại tình dục còn lại là các hành vi sát hại, gây thương tích và ngược đãi...
Nếu so với cùng kỳ, số lượng các vụ xâm hại đã giảm 8% nhưng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp khi không chỉ trẻ em gái mà cả bé trai cũng bị xâm hại tình dục; không chỉ các đối tượng tại Việt Nam mà còn có cả các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hành vi này. Lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết còn có sự việc các đối tượng lợi dụng quan hệ để nuôi dưỡng, tập hợp các trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại.
Chia sẻ về nguyên nhân của vấn nạn này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng chủ yếu là do việc tố cáo, trình báo xâm hại còn chậm nên công tác điều tra khám nghiệm còn gặp khó khăn. Ngoài ra, việc xâm hại có tính nhạy cảm nên người thân, gia đình và nạn nhân thường giấu kín không tố giác tội phạm.
“Nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi nhiều lần mới phát hiện, nhiều nạn nhân không hợp tác trong quá trình điều tra tội phạm. Thậm chí các bậc phụ huynh còn không muốn nhắc lại sự việc.” - Bộ trưởng Lâm khẳng định.
Nói về các quy định, pháp luật bảo vệ trẻ em tại Việt Nam, Bộ trưởng cho biết đã được quy định rất rõ, đặc biệt trong Bộ luật Hình sự năm 2015 với 6 nhóm tội danh. Từng hành vi xâm hại đều được quy định cụ thể, cơ chế xử lý cũng được xác định rõ ràng với 6 nhóm tội danh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt, chứ không thể theo trình tự thông thường.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng xâm hại trẻ em trong thời gian tới, Bộ Công an cùng các lực lượng dự kiến sẽ tăng cường các giải pháp ngăn chặn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong nhân dân để chủ động bảo vệ các em khỏi những hành vi xâm hại.
Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện các biện pháp có hiệu quả ngăn ngừa những hành vi có thể xảy ra bởi đây “không phải là việc của cơ quan chức năng mà là việc của mọi tổ chức”.