Để “ngôi sao” Việt Nam tiếp tục tỏa sáng

(PLVN) - Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất đánh giá cao các giải pháp ứng phó của Chính phủ với đại dịch Covid-19 và tâm huyết “hiến kế” mong Việt Nam tiếp tục duy trì thành tựu trong năm 2021.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh.

“Ngôi sao” Việt Nam

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) nhận định, năm 2020 có nhiều biến động lớn, gây nhiều khó khăn và thách thức cho thế giới và trong nước.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự đồng lòng hỗ trợ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân chúng ta đã thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. “Ngân hàng Thế giới đã thừa nhận Việt Nam là một ngôi sao sáng trong bối cảnh ảm đạm vì Covid-19”, Đại biểu Phương nêu.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) chỉ rõ, năm 2020, chúng ta đứng trước nhiều bất lợi, cả bên trong lẫn bên ngoài. Về bên ngoài, cùng với đại dịch Covid-19 còn có sự cạnh tranh của các nước lớn về cạnh tranh thương mại, chủ nghĩa dân tộc, sự bất ổn ở một số khu vực địa chính trị, kể cả ngay ở Biển Đông. Ở bên trong, nước ta vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vừa chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.
 Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Mặc dù vậy, Việt Nam đã từng bước vượt qua được những khó khăn, thách thức và đạt được những điểm sáng, đạt thành tựu kép trong cả công tác chống dịch lẫn tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tăng trưởng dương, thuộc tốp 3 quốc gia có tăng trưởng dương cao nhất khu vực ASEAN. Các chỉ số về vĩ mô vẫn giữ được ở mức khá an toàn, đời sống nhân dân được cơ bản cải thiện, nhiều mặt có bước tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. 

Giải pháp “tăng tốc”

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) cũng nhận định, năm 2020, rõ ràng chúng ta rất linh hoạt trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ trong bối cảnh dịch bệnh. Thu ngân sách không đạt nhưng nhu cầu chi vẫn phải chi, thậm chí chi còn tăng lên nhưng vẫn ổn định được hai chính sách này thì quả là rất thành công.

Thứ nữa, chúng ta giữ được chỉ số giá, chỉ số lạm phát để nền kinh tế đỡ bị tổn thất và đời sống của người dân cũng đỡ khó khăn. Đây là những thành công, cho thấy chúng ta phát huy được thế mạnh riêng của mình và điều quan trọng nhất là sự đồng tình, ủng hộ của toàn bộ người dân.

Tuy nhiên, ông Sinh lưu ý, việc tái cơ cấu nền kinh tế có 3 nội dung rất quan trọng nhưng đang gặp bất cập nhất định: Một là tái cơ cấu đầu tư công, trong đó có hệ thống luật pháp, tổ chức thực hiện, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công chậm; hai dự án trọng điểm chậm; sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng chậm. Hai là, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cũng chậm. Ba là, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng chưa đúng tiến độ đề ra.

Ba yếu tố rất quan trọng của nền kinh tế đều không đạt mục tiêu đặt ra nên cần nhìn thẳng vào vấn đề, nguyên nhân tại đâu. Trong khi chủ trương, hệ thống pháp luật, cơ sở pháp lý có rồi, vậy chỉ còn tổ chức thực hiện. Khâu này cần phải đạt hiệu quả hơn, làm sao khắc phục tồn tại lớn nhất hiện nay là sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, của bộ, ngành với địa phương.

Về đón dòng dịch chuyển đầu tư nước ngoài, ông Sinh cho rằng, “làm tổ đón đại bàng” là định hướng lớn. Sau đại dịch, xu hướng và nhận thức về đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn lớn, sẽ giả sử trong bối cảnh xảy ra những vấn đề tương tự như đại dịch Covid-19 thì chuyển dịch đầu tư như thế nào, tính bền vững của doanh nghiệp ra sao.

Vậy để thu hút vốn nước ngoài, chúng ta phải tính đến điều kiện như cơ chế phải thông thoáng, điều kiện đi kèm về toàn bộ kết cấu hạ tầng (hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp), sẵn sàng có các diện tích đất lớn thì mới đón được “đại bàng”.

Chuyên gia Trần Hoàng Ngân thì nhắc nhớ đến một bài học có thể nhìn nhận từ những thành công đã đạt được rằng muốn kinh tế phát triển là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Suốt 10 năm qua, Việt Nam giữ được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, không để xảy ra những “cú sốc” về giá cả, về giá đô la, kiểm soát được thị trường tiền tệ, ổn định được giá trị đồng tiền.

Chúng ta cũng đảm bảo các cân đối lớn như cán cân thương mại, cán cân thanh toán vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, cân đối ngân sách, kiểm soát bội chi, nợ công. 

Trong 5 năm gần đây, chúng ta đã thặng dư thương mại khoảng 37-38 tỷ đô la, dự trữ ngoại hối đủ mạnh để giúp chúng ta có thể ổn định được thị trường, tạo đà cho sự phát triển bền vững.

Vấn đề còn lại cần thiết trong giai đoạn khó khăn hiện nay là không được vội vã, nôn nóng phá vỡ sự ổn định, tiếp tục kiểm soát sự ổn định này. Ông Ngân cũng tán thành điểm quan trọng hơn hết là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phải giải quyết nhanh hơn nữa các điểm nghẽn về thể chế, về hạ tầng – nếu giải quyết được, chúng ta sẽ tăng tốc trong giai đoạn tới. 

Đọc thêm