Để người cao tuổi tự tin dùng công nghệ: Cần hoàn thiện khung chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên cạnh việc phát huy các chính sách, pháp luật và thiết chế hiện có, thì cũng rất cần có thêm khung chính sách thúc đẩy để tăng khả năng tiếp cận với các kiến thức, công nghệ mới cho người cao tuổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: 425 Magazine)
Ảnh minh họa. (Nguồn: 425 Magazine)

Dạy người cao tuổi có thể sử dụng công nghệ - nội dung cần được quy định

Theo thống kê từ Hội Người cao tuổi Việt Nam, hiện cả nước có trên 6,5 triệu người cao tuổi tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, 656.000 người tham gia công tác đảng, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở; trên 300.000 người tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự cơ sở…

Trong giai đoạn 2017 - 2022, người cao tuổi cả nước đã đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công; đóng góp kinh phí, hiến 2,4 triệu m2 đất để xây dựng, sửa chữa đường làng, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng, với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn.

Nhiều người cao tuổi tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy ở các trường tư thục mầm non, phổ thông, đại học. Nhiều người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân văn hóa vẫn hăng say làm việc, tạo ra những sản phẩm, tác phẩm có giá trị cao, góp phần vào sự phát triển của đất nước…

Sự thay đổi liên tục của nền kinh tế và Cách mạng công nghệ 4.0, chất lượng cuộc sống được xem là một trong khái niệm quan trọng trong phát triển chính sách và an sinh xã hội. Các vấn đề đối với người cao tuổi cũng không nằm ngoài khái niệm này. Hiện nay, đối với người cao tuổi ở Việt Nam, các chính sách hiện có chủ yếu tập trung vào các khung chính sách liên quan đến khám, chữa bệnh và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh dành cho người cao tuổi, chưa chú ý các khía cạnh nhu cầu khác của người cao tuổi.

Đơn cử như, mặc dù đã có khung chính sách liên quan đến sử dụng công nghệ để phục vụ lợi ích đời sống của người cao tuổi, nhưng những định hướng và quy định hướng dẫn triển khai cụ thể cũng như quy định hướng dẫn giáo dục về công nghệ trong đời sống vẫn chưa được xây dựng và để giúp cho người cao tuổi có thể sử dụng công nghệ.

Trong khi đó, được tiếp tục học hỏi để có thể sử dụng công nghệ là nhu cầu rất lớn của người cao tuổi, bởi người cao tuổi đều nhận thức được rằng biết sử dụng công nghệ mang lại rất nhiều lợi ích như: kết nối với con cháu, bạn bè, thoát khỏi cảm giác cô đơn, bị bỏ quên của người già…

Đơn cử như Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành Đoàn TP HCM là một trong những địa chỉ dạy người cao tuổi cách sử dụng công nghệ trên thiết bị di động. Đều đặn một buổi trong tháng, các ông bà cao tuổi lại đến Trung tâm để học cách sử dụng công nghệ trên điện thoại thông minh.

Dù đã 85 tuổi nhưng bà Giang Thị Huấn ở quận Bình Thạnh vẫn đi xe đạp từ nhà đến lớp học để sinh hoạt chung với mọi người. Bà Huấn cho biết, được hàng xóm giới thiệu nên bà đến lớp học chung, bà sinh hoạt ở đây đã được một năm. Tương tự, ông Bảo Quốc cũng đi xe máy từ huyện Hóc Môn vào quận 1 để học.

Trao đổi với truyền thông, bà Huấn và ông Bảo Quốc đều cho biết, người già hay quên nên họ muốn cập nhật những cái cần thiết như nhắn tin qua Zalo, Facebook, chụp ảnh, lưu ảnh, gửi ảnh, gọi xe công nghệ… Có nhớ con cháu ở xa thì biết cách bật camera để nhìn mặt và liên lạc bạn bè với nhau. Sau thời gian học, bà Huấn, ông Bảo Quốc và nhiều bạn già cùng lớp đã biết sử dụng thành thạo điện thoại di động, có thể đặt shipper, nhắn tin qua Messenger… Trong thời gian ở nhà một mình biết cách mở máy tính hoặc dùng điện thoại để xem tin tức.

Khuyến nghị để đưa người cao tuổi ra khỏi sự tiêu cực của khoảng cách số

Cần hoàn thiện khung chính sách để người cao tuổi tự tin dùng công nghệ. (Ảnh minh họa - Nguồn: Seasons Retirement Communities)

Cần hoàn thiện khung chính sách để người cao tuổi tự tin dùng công nghệ. (Ảnh minh họa - Nguồn: Seasons Retirement Communities)

Nhưng không phải người cao tuổi nào cũng có cơ hội học tập công nghệ số như bà Huấn, ông Bảo Quốc. Một số lượng không nhỏ người cao tuổi đang ở mặt tiêu cực của khoảng cách số (khoảng cách số là sự tiếp cận không đồng đều với công nghệ số, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và Internet; khoảng cách số tạo ra sự chia rẽ và bất bình đẳng xung quanh việc tiếp cận thông tin và tài nguyên).

Kinh nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy, nếu được quan tâm đến việc trang bị kỹ năng số thì người cao tuổi sẽ thích ứng nhanh chóng với cuộc sống số đang phát triển. Cụ thể, theo khảo sát của Tổ chức Thông tin xã hội quốc gia Hàn Quốc (NIA), chỉ có khoảng 30% người trên 60 tuổi biết cách sử dụng một vài ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hầu hết người cao tuổi ở Hàn Quốc dùng điện thoại chỉ để nghe, gọi và xem giờ. Nhiều người không biết truy cập Internet, không biết sử dụng các dịch vụ như thanh toán trực tuyến hay thương mại điện tử...

Chính quyền Thủ đô Seoul là địa phương đầu tiên ở Hàn Quốc công bố Chương trình củng cố kiến thức kỹ thuật số nhằm hỗ trợ người cao tuổi từ tháng 5/2022. Để triển khai Chương trình, Chính quyền Seoul ban hành chính sách hợp tác với các công ty tư nhân phát triển thiết bị đầu cuối kết nối tự động và dễ sử dụng. Những thiết bị này sẽ được lắp đặt tại các nơi công cộng như: ngân hàng, siêu thị, rạp chiếu phim, giúp người cao tuổi có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ.

Đồng thời, Chính quyền Seoul đã tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu cần được hỗ trợ về kỹ thuật số của người cao tuổi; tổ chức các đội tình nguyện viên số hỗ trợ người cao tuổi; xây dựng, cung cấp một chương trình giáo dục kiến thức kỹ thuật số phù hợp với người cao tuổi. Kết quả sau hơn một năm triển khai Chương trình đã có trên 90% người cao tuổi của thành phố được hỗ trợ giáo dục kiến thức số qua các đội tình nguyện viên số và hơn 85% người cao tuổi hài lòng khi được tư vấn, hỗ trợ. Từ mô hình, cách làm thành công của thành phố Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhân rộng ra các địa phương khác.

Tương tự, ở Singapore, chỉ có 58% người dân Singapore trên 60 tuổi biết dùng Internet. Từ thực trạng trên, Chính phủ Singapore khởi động Chương trình người cao tuổi chuyển sang kỹ thuật số nhằm nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số cho người cao tuổi. Chương trình được triển khai từ năm 2020 để hỗ trợ những người trên 60 tuổi có thể học các kỹ năng số cơ bản: Thực hiện giao dịch trực tuyến; Truy cập các dịch vụ của Chính phủ; Giao tiếp trực tuyến; Bảo vệ khỏi lừa đảo trên môi trường mạng.

Từ Chương trình này, các Trung tâm Cộng đồng số Singapore ra đời, có các nhân viên xã hội hướng dẫn trực tiếp đối với từng người cao tuổi… Từ khi bắt đầu vào năm 2020 đến nay, đa số người cao tuổi ở Singapore đã được hưởng lợi từ Chương trình có được các kỹ năng cần thiết giúp họ giao tiếp và giao dịch trực tuyến.

Năm 2023, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người, độ tuổi từ 65 trở lên chiếm 11,86%, dự báo tăng 17% vào năm 2030 và có thể tăng 25% vào 2050. Theo ông Nguyễn Văn Tạo - Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và lối sống “không tiếp xúc”, phần lớn người cao tuổi cảm thấy bị bỏ lại phía sau vì không thể sử dụng những tiện ích công nghệ hiện đại.

Tham khảo mô hình, cách làm thu hẹp khoảng cách số cho người cao tuổi ở Hàn Quốc và Singapore, Cục trưởng Nguyễn Văn Tạo đã đưa ra 3 khuyến nghị khi Việt Nam đang triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đòi hỏi phải phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân, trong đó có nhóm người cao tuổi vốn thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ, thiết bị số trong đời sống hằng ngày.

Một là, cơ quan quản lý xây dựng, cung cấp một chương trình đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cơ bản sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật số cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện ở từng vùng, miền, khu vực để nâng cao cơ hội tiếp cận, kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị kỹ thuật số của người cao tuổi.

Hai là, khai thác sức mạnh của các Tổ công nghệ số cộng đồng ở xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến nâng cao năng lực số cho người cao tuổi. Theo đó, phát triển đội ngũ nhân lực số ngay tại địa phương bằng cách nhân rộng đội ngũ tình nguyện viên công nghệ số cộng đồng, trong đó có cả người cao tuổi tình nguyện có hiểu biết về công nghệ số để người biết ít hướng dẫn người chưa biết, người biết nhiều hướng dẫn người biết ít.

Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp với người cao tuổi hoặc giới thiệu, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ dành cho người cao tuổi sử dụng như cách làm của Singapore.

Trước đề xuất của Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Cục Thông tin cơ sở nghiên cứu phổ cập hướng dẫn những kỹ năng số cơ bản cho người già thông qua hệ thống loa truyền thanh trên toàn quốc. Bởi hệ thống loa truyền thanh do Cục Thông tin cơ sở quản lý có khả năng đặc biệt hiệu quả trong những tình huống khẩn cấp, dịch bệnh. Vì thế, hoàn toàn có thể thông qua hệ thống loa truyền thanh trên toàn quốc để hướng dẫn người cao tuổi sử dụng các dịch vụ viễn thông, dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến...

Đọc thêm