Để người dân tộc thiểu số không còn thấy “lạ” pháp luật

(PLO) - Với hơn 80% dân cư là người dân tộc thiểu số, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở Lạng Sơn luôn được đặt lên hàng đầu. “Ngày Pháp luật” càng khơi thông thêm những cánh cửa để pháp luật tiếp tục thấm nhuần vào đời sống.
Đưa luật đến từng nhà, từng người
Háo hức chờ đến ngày Bộ Tư pháp công bố về sự kiện “Ngày Pháp luật”, những người làm công tác PBGDPL ở Lạng Sơn đã triển khai những hoạt động tổ chức thực hiện ngày này theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Ông Tô Hùng Khoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh rất quan tâm đến công tác PBGDPL nên đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật năm 2013” với mục đích “làm cho Ngày Pháp luật trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng tại tỉnh, cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, cá nhân, tổ chức tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật” và quan trọng hơn cả là để “dân không còn thấy “lạ” với pháp luật”.
Một tiểu phẩm tại Hội thi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình của tỉnh Lạng Sơn năm 2012
 Một tiểu phẩm tại Hội thi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về gia đình của tỉnh Lạng Sơn năm 2012
“Ngày Pháp luật” năm nay Lạng Sơn sẽ tổ chức từ 4-9/11 với trọng tâm là ngày 9/11. Ông Khoa cũng cho biết, Lễ phát động “Ngày Pháp luật” sẽ được kết hợp với việc tổ chức tổng kết 5 năm công tác PBGDPL giai đoạn 2008-2012 ở cấp tỉnh nhằm nhấn mạnh hơn nữa vai trò của công tác PBGDPL trong đời sống cũng như tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế của công tác này trong thời gian tới ở địa bàn tỉnh.
Cũng nhấn mạnh chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “Ngày Pháp luật năm 2013” của Lạng Sơn tập trung vào phổ biến những văn bản pháp luật liên quan đến đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới để bà con biết được các qui định pháp luật thiết thân với cuộc sống hàng ngày, nhất là người dân ở địa bàn biên giới. 
Trong đó, Lạng Sơn chú trọng đến việc tuyên truyền các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội vừa được ban hành để “người dân không vi phạm và nếu không may bị xử phạt, họ cũng hiểu qui định để chấp hành, không chây ỳ hay đưa ra lý do “không biết luật” để biện minh cho hành vi vi phạm” - một cán bộ tư pháp ở TP.Lạng Sơn cho biết thêm.
Với “Ngày Pháp luật năm 2013”, những người làm công tác PBGDPL nói riêng và chính quyền tỉnh nói chung đang hy vọng sẽ có chuyển biến rõ ràng trong nhận thức của nhân dân về pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật khi pháp luật đến được với từng nhà, từng người, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, người dân sẽ xây dựng cuộc sống có sự tham gia và định hướng của pháp luật, chứ không còn những sự việc đáng thương do hủ tục, “phép vua thua lệ làng”.
Đổi mới để luật nhanh đến với dân
Đó là phương châm mà người làm công tác PBGDPL ở Lạng Sơn luôn tâm niệm để đem lại được “sức sống” cho công tác này. Thời gian qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. 
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thanh Sơn cho biết, nhiều hình thức PBGDPL đã được các đơn vị, địa phương sử dụng rộng rãi như phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông và hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền miệng, tổ chức các cuộc thi, biên soạn và phát hành tài liệu, qua sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano, áp phích, khẩu hiệu, tranh ảnh...), giáo dục pháp luật trong nhà trường, thông qua hòa giải ở cơ sở, các phiên tòa xét xử lưu động... đã phát huy tác dụng trong thực tiễn. 
Trong đó, tuyên truyền miệng là hình thức được cơ sở sử dụng phổ biến nhất vì phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương và có nhiều ưu thế trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân. “Ngoài việc phổ biến các nội dung pháp luật mới, giải đáp các vấn đề pháp lý, vướng mắc của người dân, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn tổ chức thảo luận hai chiều với người dân để bà con có thể trình bày các vấn đề của mình cũng như cách hiểu về pháp luật của họ” - ông Sơn cho biết thêm.
Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, giao thông đi lại còn khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng về thông tin liên lạc yếu, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, Lạng Sơn chưa áp dụng được các hình thức như giải đáp pháp luật qua thư điện tử, tổ chức giao lưu trực tuyến trên mạng internet, gửi ý kiến qua đường bưu điện. “Điều này cũng hạn chế rất nhiều cơ hội PBGDPL đến người dân” - những người làm công tác PBGDPL ở đây nhận xét.
Biết rằng còn nhiều khó khăn trong công tác PBGDPL nhưng thực hiện chỉ đạo của cấp ủy về việc “đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp PBGDPL”, những người làm công tác PBGDPL mong rằng sau “Ngày Pháp luật”, công tác PBGDPL của tỉnh sẽ nhận được sự quan tâm, chung sức của tất cả các cấp, các ngành và mọi người dân. 

Đọc thêm