Đề thi THPT quốc gia 2016 lợi thế cho thí sinh am hiểu kiến thức xã hội

(PLO) - Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, thí sinh am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi THPT quốc gia 2016.
Khi làm bài thí sinh cần có chính kiến về vấn đề cần bàn luận (ảnh minh họa)
Khi làm bài thí sinh cần có chính kiến về vấn đề cần bàn luận (ảnh minh họa)

Thi thử như thật

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa tổ chức rà soát 3 môn thi bắt buộc là Văn - Toán - Ngoại ngữ cho tất cả học sinh lớp 12. Năm nay, Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa nhưng Sở GD-ĐT phụ trách ra đề trong cuộc rà soát sắp tới dựa trên cấu trúc đề thi THPT quốc gia và đề thi minh họa năm 2015 cùng những hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia.

Kết thúc 3 môn thi, phần đa thí sinh cho biết, đề thi khá khó, ít thí sinh có thể hoàn thành toàn bộ câu hỏi trong cả 3 môn thi. 

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, xu hướng của đề thi sẽ ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi mở, gắn liền thực tiễn và câu hỏi vận dụng, bảo đảm độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, về cơ bản giữ ổn định như kỳ thi năm 2015.

Đề thi năm 2016 sẽ gồm những câu hỏi yêu cầu tăng cường sự sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống của thí sinh, giảm tỉ lệ câu hỏi yêu cầu thí sinh phải ghi nhớ một cách máy móc, học thuộc lòng. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của bản thân về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với các vấn đề thời sự của quê hương, đất nước. Để thực sự nắm bắt, thông hiểu được những kiến thức xã hội, đối với học sinh THPT không phải là việc dễ bởi cần có quá trình tích lũy, so sánh, tư duy… 

Vùng miền lo

Đề thi mở đang khiến nhiều học sinh e ngại sợ phải tiếp cận những vấn đề bản thân chưa có khái niệm. Đây cũng là lo ngại của một số giáo viên, đặc biệt là với những nơi học sinh ít có điều kiện tiếp cận với thông tin báo chí, mạng xã hội… 

Mới đây, trong đề thi giữa kỳ của học sinh một trường ở Vũng Tàu đưa câu hỏi liên quan đến bộ phim “Hậu duệ mặt trời”, một bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang rất nổi tiếng. Tại Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, câu hỏi về bộ phim này cũng được đưa và đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh trong phần thi trắc nghiệm. Theo giáo viên ra đề, cách thi này gây hứng thú cho học sinh vì đánh trúng tâm lý. Nhưng vấn đề là nếu đưa ra một bộ phim dù nổi tiếng nhưng chưa được chiếu ở Việt Nam vào một đề thi quốc gia thì học sinh nông thôn làm sao có điều kiện tiếp cận để đưa ra nhận định của mình?

 Cách ra đề mở đưa dữ liệu liên quan đến những người nổi tiếng vào đề thi đã khá phổ biến khi mới đây, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 của Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, hình ảnh ca sĩ Trần Lập trong chương trình ca nhạc “Đôi bàn tay thắp lửa” cuối cùng của anh nhằm mục đích từ thiện đã xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn. 

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Hữu Cường, một đề thi cho cuộc thi lớn như THPT quốc gia luôn đảm bảo cân đối trình độ của học sinh vùng miền. Thí sinh không nên quá lo lắng, ngay cả khi các em chưa từng biết đến vấn đề nêu trong bài thì đề thi dù mở đến đâu cũng phải chứa dữ kiện để học sinh giải được.

TS Phạm Hữu Cường cũng lưu ý thí sinh nên quan tâm tới một số vấn đề như biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo của đất nước; thực phẩm bẩn và lương tâm con người; sự vô tâm của con người nhìn từ vụ án ở Bình Phước; ý thức con người về biến đổi khí hậu… Mặc dù đề thi có thể mở rộng đến đâu thì trên hết phải nắm vững phương pháp, kỹ năng làm các bài nghị luận xã hội, nhất là dạng đề tổng hợp. 

Đặc biệt, học sinh nên tập thói quen suy nghĩ, đánh giá, nhận xét, bày tỏ quan điểm riêng cũng như đưa ra các lý lẽ, lập luận về một vấn đề nào đó. Bởi vì, một bài văn nghị luận xã hội hay, đạt điểm cao không phải là đúng hay không đúng đáp án mà quan trọng là đưa ra được những quan điểm riêng về vấn đề cần bàn luận, những lập luận, lý lẽ vững chắc, có sức thuyết phục người chấm bài.

Đọc thêm