Nhiều điểm mới
Thông tư này có nhiều điểm mới nổi bật như: mỗi tỉnh, thành đều được tổ chức một cụm thi đại học, bỏ làm tròn đến 0,25 điểm với bài trắc nghiệm, thí sinh bị đình chỉ 1 môn sẽ không được dự thi các môn còn lại…
Cụ thể, thay vì 38 cụm thi đại học như năm ngoái, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho phép mỗi tỉnh, thành đều được tổ chức cụm thi đại học để tránh tình trạng thí sinh phải di chuyển xa. Những cụm thi này do trường đại học chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT và với trường đại học, cao đẳng khác tổ chức.
Thí sinh dự thi tại đây để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh, thành cũng có thể tổ chức cụm thi tốt nghiệp dành cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Việc làm tròn điểm bài thi trắc nghiệm cũng có thay đổi. Cụ thể, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (Quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm). Điều này có nghĩa có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy năm nay nếu thí sinh được 4,99 cũng không được cộng tròn thành 5, chỉ trường hợp là 4,995 trở lên thì mới được cộng tròn điểm.
Về quy định xử lý trừ điểm bài thi với thí sinh vi phạm quy chế thi, Thông tư chính thức cũng điều chỉnh so với Dự thảo và Quy chế 2015. Cụ thể, ngoài việc giữ quy định “thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó”, Quy chế năm nay còn quy định rõ hơn: “Không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo; không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng”.
Siết chặt quy định về chấm phúc khảo
So với Dự thảo, Thông tư sửa đổi chính thức đã bổ sung một số nội dung nhằm quy định chặt chẽ hơn về kết quả chấm phúc khảo. Cụ thể, nếu kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận của 2 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho 2 cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận.
Nếu kết quả chấm của 2 cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho trưởng ban phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ 3 chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác; nếu kết quả chấm của 2 trong 3 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.
Nếu kết quả chấm của cả 3 cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận.
Mỗi thí sinh có một giấy chứng nhận kết quả thi
Năm 2015, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Tuy nhiên, năm nay mỗi thí sinh chỉ được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.
Để việc giám sát được sát sao hơn, Bộ GD-ĐT quy định trưởng điểm thi bố trí cán bộ giám sát phòng thi; đảm bảo mỗi cán bộ giám sát không nhiều hơn 7 phòng thi.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ, mỗi môn thi phải có ít nhất ba cán bộ chấm thi và mỗi điểm thi cần bố trí một điện thoại cố định dùng để liên hệ với Hội đồng thi. Mọi cuộc liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai.
Hàng ngàn thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh phía Bắc
Sáng 13/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 đã cùng diễn ra tại Cần Thơ và Hà Nội với nhiều hoạt động. Tại Ngày hội tư vấn, bên cạnh phần tư vấn do Ban Tổ chức thực hiện, tại gian tư vấn của các trường, học sinh được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với đại diện trường mà mình quan tâm, tất cả thắc mắc của thí sinh về tuyển sinh sẽ được giải đáp.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã cử các lãnh đạo, các chuyên gia đến từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) tham gia tư vấn tại Ngày hội để cung cấp thông tin đầy đủ nhất về Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.