Để tiết kiệm năng lượng trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp tiết kiệm năng lượng thì đến năm 2030, Việt Nam có thể tránh được việc xây dựng thêm các nhà máy điện mới có công suất lên tới 12.000 MW.
Để tiết kiệm năng lượng trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp

Có thể thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng, hóa chất, chế biến thực phẩm… Trong đó có những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các ngành này có thể đạt ở mức 20-30% như giải pháp thu hồi nhiệt thải, có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi tháng nhưng không có nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực để đầu tư sử dụng các giải pháp này.

Hệ thống thu hồi nhiệt thải giúp tiết kiệm năng lượng.

Hệ thống thu hồi nhiệt thải giúp tiết kiệm năng lượng.

Ông Chu Bá Thi - chuyên gia năng lượng cao cấp Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đình trệ trong thực hiện các đầu tư tiết kiệm năng lượng, bao gồm cả từ các chính sách, khuôn khổ pháp lý, công nghệ, hỗ trợ tài chính cũng như năng lực thực hiện của các bên tham gia. Đáng chú ý, chưa có các đầu tư lớn đồng bộ cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ của chính phủ đối với tiết kiệm năng lượng rất hạn chế, chỉ dừng ở mức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, chưa có hỗ trợ nhiều về đầu tư cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ quốc tế cho đầu tư tiết kiệm năng lượng.

Sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng

Sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thông tin, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh việc lắp đặt các hệ thống thu hồi nhiệt thừa tại các nhà máy công nghiệp, nhà máy thép, nhà máy xi măng để tăng cường sử dụng điện năng tại chỗ. Từ đó giúp chia sẻ được gánh nặng cung ứng điện với hệ thống điện quốc gia, đảm bảo được an ninh năng lượng và cấp điện trong các năm sắp tới.

“Chúng ta có rất nhiều tiềm năng để tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thông qua việc sử dụng lại nguồn nhiệt thừa. Đáng nhẽ nguồn này sẽ phải thải ra môi trường nhưng chúng ta có thể tái sử dụng các nguồn nhiệt này để phát điện hoặc để sử dụng phụ tải điện tại chỗ”- ông Vũ nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt thừa là đầu tư tương đối lớn, do đó các doanh nghiệp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp còn chưa tự tin vào công nghệ thu hồi nhiệt thừa hoặc là do dự trong việc áp dụng các công nghệ này.

Khảo sát, tìm kiếm các giải pháp

Khảo sát, tìm kiếm các giải pháp

“Chúng tôi có thể thông qua kinh nghiệm của mình cũng như nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc các dự án hỗ trợ kỹ thuật có thể cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế để tư vấn cho các doanh nghiệp mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong việc áp dụng công nghệ mới này” - ông Vũ chia sẻ.

Ngoài ra, hiện Bộ Công Thương cũng đang có những dự án hỗ trợ kỹ thuật như dự án thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện. Dự án này thiết lập một quỹ chia sẻ rủi ro với quy mô 75 triệu USD, có thể hỗ trợ bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp, mức bảo lãnh có thể lên đến 50%.

Nguồn vốn này, theo ông Chu Bá Thi sẽ giải “bài toán rủi ro” cho các ngân hàng khi cho vay thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. Bởi hiện nay, năng lực nhận diện, đánh giá thẩm định các công nghệ mới, các giải pháp tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp, các ngân hàng cho vay vốn còn rất yếu. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp và ngân hàng không tự tin thực hiện các dự án về tiết kiệm năng lượng. Chưa kể, hiện nhận thức của ngân hàng về đầu tư tiết kiệm năng lượng sẽ gặp rủi ro rất cao nên không muốn cho vay.

Giải thích về cơ chế các quỹ dành cho tiết kiệm năng lượng, ông Vũ cho biết, nếu doanh nghiệp đầu tư 10 triệu USD để xây dựng hệ thống thu hồi nhiệt thừa cho phát điện tại nhà máy xi măng thì doanh nghiệp có thể được quỹ bảo lãnh đến 5 triệu USD cho khoản vay ngân hàng. “Thông qua quỹ này chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho doanh nghiệp giảm được khó khăn về việc tìm kiếm các nguồn vốn vay cũng như giảm áp lực về bảo lãnh cho khoản vay và ngân hàng cũng thấy sẽ giảm được rủi ro khi cho các doanh nghiệp vay đầu tư vào tiết kiệm năng lượng.

Trao đổi với PLVN, nhiều doanh nghiệp đã không ngần ngại cho biết, việc đầu tư vào tiết kiệm năng lượng cũng đã được tính đến trong các chiến lược dài hạn của công ty nhưng thường thì thất bại sớm do nhu cầu vốn thực hiện rất lớn, doanh nghiệp lại khó tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ. Do đó, đành chấp nhận sử dụng tiếp các thiết bị, công cụ, máy móc cũ.

Trước thực tế này, Phó Vụ trưởng Trịnh Quốc Vũ chia sẻ: “Nhu cầu của doanh nghiệp thì rất lớn và doanh nghiệp mong ước cũng rất nhiều nhưng nguồn lực từ ngân sách nhà nước rõ ràng còn hạn chế. Khi xây dựng cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng tôi rất cẩn trọng, rất phân vân trong việc lựa chọn hình thức hỗ trợ để tìm kiếm giải pháp tiết kiệm năng lượng đủ khả thi cho doanh nghiệp triển khai và cũng không quá sức với ngân sách nhà nước”.

Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ “tiếp sức” cho doanh nghiệp bằng cách phân loại các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ mức đầu tư lớn, đầu tư trung bình và đầu tư nhỏ cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp theo quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô trung bình và quy mô lớn. Từ đó sẽ thiết kế được chương trình, dự án, mức hỗ trợ khác nhau.

Ông Vũ khẳng định, mức hỗ trợ thường xuyên nhất mà Bộ Công Thương có thể thực hiện là hỗ trợ kỹ thuật, nghĩa là doanh nghiệp muốn đầu tư một dự án tiết kiệm năng lượng, thì Bộ có thể hỗ trợ về kiểm toán năng lượng, qua đó xác định giải pháp tiết kiệm năng lượng khả thi. Sau đó có thể thông qua dự án ODA để hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp viết báo cáo đầu tư hoặc thông qua quỹ bảo vệ chia sẻ rủi ro để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng.

Các doanh nghiệp sản xuất dựa vào nguồn sáng tự nhiên

Các doanh nghiệp sản xuất dựa vào nguồn sáng tự nhiên

“Chúng tôi mong muốn xây dựng được nhiều công cụ hỗ trợ. Về mặt lâu dài chúng tôi muốn xây dựng được một quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tiền đề quỹ này đã được đưa vào trong Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Hiện nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có quỹ ưu đãi như cho vay ưu đãi, hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, qua đó cung cấp đúng nhu cầu của các đối tượng sử dụng năng lượng” – ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ.

Theo ông Chu Bá Thi, tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả là do nhiều vấn đề chưa được thực hiện quyết liệt.

Về chính sách, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là giá cung cấp năng lượng ở Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ chi phí cung cấp năng lượng đối với các ngành công nghiệp. Về tài chính, các doanh nghiệp đang rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn dài hạn và giá rẻ để đầu tư đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng.

Do đó, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ hoặc bảo lãnh để các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi từ các quỹ khí hậu và các định chế tài chính như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…

Thực tế, theo rà soát của Ngân hàng thế giới, so với các nước, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực xây dựng các văn bản, quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh bao gồm cả các định mức sử dụng năng lượng cho các ngành công nghiệp. Tuy nhiên việc thực thi và giám sát chưa được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Hiện nay chưa có hệ thống theo dõi, báo cáo và đánh giá đồng bộ từ từ trung ương đến địa phương cũng như đến các ngành kinh tế và các doanh nghiệp.

Do đó, theo vị chuyên gia này, cần phải có những chế tài cụ thể hơn trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện có rất nhiều kinh nghiệm trên thế giới về thúc đẩy đầu tư tiết kiệm hiệu quả năng lượng, trong đó có những nước tương đồng về kinh tế hoặc mô hình chính trị với Việt Nam.

Để phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng, chuyên gia Chu Bá Thi cho rằng cần cả lực đẩy và kéo. Lực đẩy có nghĩa là cần phải có các chính sách mạnh mẽ hơn nữa để tạo nên “cầu” vào đầu tư về tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như áp đặt các hạn mức, chỉ tiêu về tiêu thụ năng lượng cho các ngành, các doanh nghiệp công nghiệp cũng như từng tỉnh; Đồng thời thực hiện giám sát nghiêm thực hiện các định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm.

Lực kéo tức là nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về vốn giá rẻ cũng như hỗ trợ kỹ thuật về kiểm toán năng lượng, tư vấn công nghệ… để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện việc tiết kiệm điện

Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện việc tiết kiệm điện

Dẫn ra một quốc gia thực hiện rất tốt mô hình này, ông Thi cho biết, Trung Quốc đã thực hiện giao chỉ tiêu đến từng tỉnh, từng doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc đạt chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng. Và thành tích về tiết kiệm năng lượng được tính là một đầu mục trong việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

“Việt Nam cũng nên đưa hình thức này vào thực thi. Có thể đưa vào điều khoản thực hiện nào đấy ở các bộ, các tỉnh, xây dựng hướng dẫn thực hiện, để thêm một tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ công chức. Cũng cần phải nghiên cứu để đưa vào điều luật cho hợp lý” – ông Chu Bá Thi gợi ý.

Bởi theo chuyên gia này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ luật thì nhà nước cũng cần bắt buộc các doanh nghiệp có lộ trình cụ thể, kế hoạch hành động rõ ràng trong việc quản lý, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng như đổi mới công nghệ để đạt được các mục tiêu đề ra. Nếu trong khoảng thời gian nhất định mà doanh nghiệp vẫn không tuân thủ các quy định về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng thì sẽ bị xử lý bằng các chế tài mạnh mẽ và có thể dẫn đến phải đóng cửa.

Thực tế, Chỉ thị tiết kiệm điện năm 2023 được Thủ tướng ký ban hành ngày 8/6 đã xuất hiện những chế tài cụ thể. Theo đó, tại chỉ thị này, Thủ tướng đã nêu rất rõ, đối với các cơ quan, công sở thì phải ban hành các quy chế, nội quy về tiết kiệm và có quy định trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân, các đơn vị. Ngoài ra còn đưa công tác khen thưởng, kỷ luật về tiết kiệm điện vào trong quy chế này.

“Trước đây chúng ta đưa ra nhiều biện pháp nhưng chỉ mang tính khuyến khích, chế tài ít, các giải pháp bắt buộc cũng ít. Sắp tới theo xu hướng chung, chúng ta có thể đẩy mạnh tuân thủ một cách mạnh mẽ hơn quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng ta phải làm theo hướng chế tài mạnh, nghiêm minh hơn”, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định.

Sau một mùa hè đã thực sự trải qua thiếu điện, có lẽ các doanh nghiệp, người dân đã nhận thức rõ nhất việc thiếu điện ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của mình. Do đó, có thể kỳ vọng và tin tưởng rằng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ có cho mình phương án tối ưu nhất trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng để ít nhất mùa hè 2024 sẽ tránh được việc thiếu điện trầm trọng như mùa hè 2023.

Đọc thêm