Để tuyến đầu y tế luôn sung sức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ trong bốn ngày, Bộ Y tế liên tiếp có hai văn bản chỉ đạo về vấn đề lực lượng y bác sĩ tại các bệnh viện (BV), đặc biệt là tại các BV điều trị bệnh nhân COVID-19.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Ngày 4/9, Bộ có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh. “Các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế sẽ bị xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề”, Bộ Y tế nêu rõ.

Nói cách khác, trong thời điểm dịch bệnh hoành hành tại một số địa phương, thì việc y bác sĩ tự ý nghỉ việc là điều không thể chấp nhận, như chiến sĩ buông súng rời chiến trường. Và “hình phạt” “tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề” là điều mà bất cứ thầy thuốc nào cũng lo sợ.

Nhưng vấn đề là vì sao Bộ Y tế lại lo ngại có trường hợp y bác sĩ tự ý nghỉ việc? Vào ngày sau, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại TP HCM đã có công văn gửi BCĐ phòng chống dịch COVID-19 TP. Trong công văn này đã nêu thực tế một số y bác sĩ đang phải vất vả ra sao.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cho biết tại một số BV dã chiến (DC) điều trị bệnh nhân COVID, mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc quản lý 140-150 bệnh nhân, khiến chất lượng điều trị và chăm sóc bị giảm sút, và thầy thuốc quá tải.

Mỗi ca làm việc thường kéo dài 8-10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Thầy thuốc cũng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu được điều động tăng cường. BVDC không bố trí được thời gian nghỉ ca trực. Sau khi kết thúc công việc chuyên môn, cán bộ y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính liên tục (có ngày lên đến 12 giờ). Một số BV rút nhân lực, không bổ sung được nhân lực mới, tăng thêm áp lực cho các nhân viên còn lại. Áp lực công việc quá lớn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân viên y tế.

Về chăm lo đời sống nhân viên y tế, hàng ngày mỗi người được phát cơm hộp với suất ăn 120.000 đồng/ngày. Nhưng khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp khiến nhiều người khó ăn, không đảm bảo sức khỏe.

Có những vấn đề lực lượng tuyến đầu y tế phải đối mặt mà văn bản của Bộ Y tế không chỉ ra, nhưng thực tế vẫn đang tồn tại. Đó là nỗi day dứt của một số thầy thuốc khi chứng kiến một số bệnh nhân COVID-19 lần lượt ra đi. Đó là nỗi nhớ nhà dù nhà chỉ cách vài cây số, không ít người không dám về nhà mà ở luôn tại BV sau ca trực để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân. Đó là nỗi băn khoăn vì sao mình là thầy thuốc, là lực lượng chủ lực trong cuộc chiến chống dịch và dễ bị lây nhiễm, nhưng những người thân của mình là đối tượng có thể bị lây nhiễm từ con em mình mang từ BV về; lại không được ưu tiên chích ngừa vaccine?...

Theo thống kê, từ đầu đại dịch năm 2020 tới 9/8, có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong trong cuộc chiến chống COVID-19. Đến nay, hơn 16.000 y bác sĩ từ miền Bắc, Trung đã vào tâm dịch phía Nam chi viện. Ngoài đối mặt lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa...

Vì thế, để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị; không chỉ cần cách điều phối lực lượng khoa học hợp lý, mà còn cần có chính sách riêng cho lực lượng y tế tuyến đầu như phụ cấp, hỗ trợ tâm lý, quan tâm và có những ưu tiên nhất định với hậu phương của đội ngũ thầy thuốc… Sử dụng tình nguyện viên là người nhiễm SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh cũng là một phương án tính toán để giảm tải cho lực lượng y tế.

Đọc thêm