Theo đó, Bộ GD&ĐT giao cho thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục. Bộ yêu cầu các trường tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục phải xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường. Trường phải phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường để việc thực hiện kế hoạch hiệu quả; lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm.
Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, chỉ thị nêu rõ các trường phải tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Trong đó, Bộ GD&ĐT khuyến nghị các cơ sở đào tạo giáo viên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn trong trường học. Đặc biệt là bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm của nhà giáo.
Chỉ thị cũng nêu rõ Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể để thành lập tổ công tác liên ngành phòng chống bạo lực học đường, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; thời gian qua với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các điều kiện về vật chất và tinh thần trong cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho học sinh được giáo dục, học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực.
Tuy nhiên, gần đây liên tiếp xảy ra một số vụ bạo lực học đường ở một số cơ sở giáo dục với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Cùng với việc ban hành Chỉ thị yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các Bộ, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tình trạng này.