Đề xuất bỏ án tử hình với một số tội danh: Bước tiến trong cải cách tư pháp

(PLVN) - Trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Chính phủ đã xem xét một đề xuất quan trọng, mang tính lịch sử: Sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng bỏ hình phạt tử hình, thay bằng hình phạt tù chung thân không giảm án đối với 8 tội danh. Đây là một dấu mốc tiến bộ trong tư duy pháp lý, thể hiện rõ bản chất nhân đạo và văn minh trong chính sách hình sự của Việt Nam.
Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Trao đổi về vấn đề này, Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc cho biết, theo đề xuất, 8 tội danh không còn áp dụng hình phạt tử hình, mà thay bằng hình phạt tù chung thân không giảm án, bao gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật Hình sự); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114 Bộ luật Hình sự); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194 Bộ luật Hình sự); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250 Bộ luật Hình sự); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421 Bộ luật Hình sự); Tội gián điệp (Điều 110 Bộ luật Hình sự); Tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật Hình sự) và Tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự).

Đây đều là những tội danh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an ninh, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thay đổi hình phạt không có nghĩa là khoan nhượng, mà là điều chỉnh theo hướng bảo đảm tính nghiêm minh, nhưng nhân đạo và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Đề xuất này của Bộ Công an trình cũng đã nhận được sự đồng thuận cao từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta cần hướng đến một nền tư pháp nhân đạo, lấy con người làm trung tâm”. Việc bỏ án tử hình thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tôn trọng quyền sống - quyền thiêng liêng nhất của con người.

Án tử hình, một khi được thi hành, không có khả năng sửa sai. Trong khi đó, các sai sót trong điều tra, truy tố, xét xử hoàn toàn có thể xảy ra, dù hiếm nhưng hậu quả thì là vĩnh viễn. Với hình phạt tù chung thân không xét giảm án, Nhà nước vẫn bảo đảm răn đe cao nhất, nhưng đồng thời mở ra cơ hội sửa sai nếu phát hiện oan sai.

Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc cho biết, tính đến năm 2024, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, có 144 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trên thực tế hoặc trong pháp luật. Trong đó, nhiều quốc gia từng có truyền thống pháp lý nghiêm khắc đã chuyển hướng mạnh mẽ: Pháp là nước châu Âu đầu tiên đưa ra lý luận hiện đại về việc xóa bỏ án tử, chính thức bãi bỏ vào năm 1981. Bộ trưởng Tư pháp Robert Badinter gọi án tử hình là “vết nhơ của nhân loại văn minh”. Canada bãi bỏ tử hình năm 1976, sau hàng loạt vụ án oan nghiêm trọng. Rwanda sau diệt chủng năm1994, quốc gia này vẫn giữ án tử trong thời gian dài. Tuy nhiên, để phục vụ quá trình hòa giải dân tộc và hợp tác quốc tế, Rwanda đã bãi bỏ án tử hình vào năm 2007, nhờ đó dẫn độ thành công nhiều tội phạm quốc tế. Malaysia năm 2023 thông qua đạo luật bãi bỏ án tử bắt buộc, cho phép thay thế bằng án tù. Bộ trưởng Tư pháp nước này cho biết: “Hình phạt không nên chỉ dựa vào sự trừng phạt mà còn cần hướng đến cảm hóa con người”.

Điểm chung của các quốc gia này là bãi bỏ tử hình không dẫn đến gia tăng tội phạm, ngược lại còn thúc đẩy cải cách tư pháp, tăng hiệu quả trong xử lý tội phạm xuyên quốc gia và nâng cao hình ảnh quốc gia.

Một lý do phổ biến để giữ án tử là khả năng răn đe. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tội phạm học quốc tế cho thấy, không có bằng chứng nào chứng minh án tử hình hiệu quả hơn tù chung thân trong ngăn ngừa tội phạm.

Đối với những người phạm tội vì tham vọng cá nhân, động cơ tài chính hoặc hành vi có tổ chức, sự mất tự do vĩnh viễn, sống phần đời còn lại trong trại giam cũng là hình phạt tột cùng về cả thể chất lẫn tinh thần. Sự “gặm nhấm” của lương tâm, sự cắt đứt với xã hội, gia đình... sẽ tác động mạnh hơn cả cái chết tức khắc. Đó là lý do mà nhiều nước vẫn duy trì mức phạt nghiêm khắc, nhưng dưới hình thức tù chung thân không giảm án như Đức, Na Uy.

Tại Mỹ, nơi vẫn duy trì án tử ở nhiều bang, tính đến 2024 đã có gần 200 người bị kết án tử sau đó được minh oan. Đa số trong số đó được giải cứu nhờ công nghệ ADN hoặc lời khai mới. Nếu không có sự kiên trì của luật sư, nhà báo, tổ chức nhân quyền, họ đã trở thành nạn nhân oan uổng của hệ thống tư pháp. Một mạng người mất đi không thể lấy lại. Chính vì vậy, hình phạt cần tạo khả năng hồi cứu nếu có sai sót, điều mà tù chung thân có thể bảo đảm, còn tử hình thì không.

Theo Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc, việc bãi bỏ án tử hình ở một số tội danh có thể giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong hợp tác pháp lý với các quốc gia phát triển, nơi họ từ chối dẫn độ nếu người bị dẫn độ có nguy cơ bị tử hình.

Điển hình là các quốc gia EU như Đức, Pháp, Thụy Điển đều từ chối bàn giao nghi phạm nếu đối mặt án tử. Một quốc gia như Việt Nam đang tăng cường truy bắt tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là các đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài, sẽ mở rộng được “cánh cửa dẫn độ” nếu giảm dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình.

Đối với các tội như tham ô tài sản, nhận hối lộ, việc bỏ án tử hình không đồng nghĩa “nương tay”. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã chỉ rõ: “Mục tiêu hình phạt trong các tội danh này là thu hồi tài sản triệt để”.

Thực tiễn cho thấy, khi đối diện án tử, nhiều bị can không hợp tác, thậm chí tìm cách hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản. Trong khi đó, nếu bị tù chung thân và có cơ hội giảm nhẹ nếu khắc phục hậu quả, bị can sẽ có động cơ hợp tác và nộp lại tài sản tham nhũng.

Tương tự, đối với các tội liên quan đến ma túy, việc loại bỏ án tử không làm giảm tính nghiêm khắc, bởi hình phạt tù chung thân không giảm án là cực kỳ nặng, có tính răn đe tương đương nhưng phù hợp hơn với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

Trung tướng, PGS.TS Đồng Đại Lộc nhận định, Việt Nam trên hành trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần có những quyết sách dũng cảm và nhân văn. Việc Chính phủ đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh thay bằng hình phạt tù chung thân không giảm án là một quyết định đúng đắn, tiến bộ, đầy trách nhiệm. Nó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng xét xử, giảm nguy cơ oan sai, mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, nâng tầm vị thế Việt Nam trong mắt cộng đồng pháp lý toàn cầu.

Hình phạt nặng nhất, suy cho cùng, không phải là cái chết, mà là sự cách ly triệt để khỏi xã hội vừa bảo vệ cộng đồng, vừa cho thấy pháp luật đủ mạnh, đủ nhân đạo và đủ công minh.

Đọc thêm