Đề xuất bỏ trần giá vé máy bay: Còn nhiều ý kiến khác nhau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như Nhà nước không quy định trần giá vé máy bay nội địa, thả nổi giá vé để các hãng bay tự quyết định, thì liệu quyền lợi người tiêu dùng có được đảm bảo?
NTD lo ngại giá vé sẽ tăng khi bỏ trần.
NTD lo ngại giá vé sẽ tăng khi bỏ trần.

Hãng bay muốn điều chỉnh khung giá vé

Nhà nước hiện đang quản lý giá vé máy bay nội địa thông qua quy định về trần giá vé. Điều này có nghĩa hãng hàng không chỉ có thể được tăng giá vé máy bay đến một mức độ nào đó, không được vượt mức trần quy định. Từ trước đến nay, “vòng kim cô” này tỏ ra khá hiệu quả trong việc kiểm soát việc giá vé tăng bất thường, tránh việc người tiêu dùng (NTD) bị “móc túi”, nhất là vào những dịp lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân rất cao.

Tuy nhiên, mới đây, nhiều hãng hàng không nội địa kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tháo chiếc “vòng kim cô” này. Cụ thể, tại buổi tọa đàm mới đây về hàng không, ông Trịnh Ngọc Thành - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong những năm gần đây các hãng bay có những kiến nghị điều chỉnh trần giá vé nội địa nhưng cơ bản khung giá vé trần vẫn được Bộ GTVT áp dụng tại Thông tư 36/2015/TT-BGTVT từ năm 2015 đến nay.

Ông Phạm Thanh Sơn - Phó Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho rằng, cần xem xét lại việc đặt khung giá cho ngành dịch vụ vận tải hàng không. Việc xác định một khung giá mới sẽ phù hợp với tình hình thực tế và tính toán quyền lợi lâu dài của khách hàng, sự phát triển hài hòa của doanh nghiệp (DN).

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho rằng Bộ GTVT cần sớm xem xét điều chỉnh giá theo thực tế yếu tố đầu vào. Đồng thời cho rằng nên bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác. “Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến NTD mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng…” - Tổng Giám đốc Bamboo Airways nhận định.

Không bàn đến việc có bỏ trần giá vé hay không, nhưng TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TW cho rằng cần có sự điều chỉnh về khung giá vé. Đặc biệt, chuyên gia này đề xuất nên có một ủy ban độc lập về quản lý hàng không, trong đó có các thành viên độc lập chịu trách nhiệm về pháp lý. Trên cơ sở đó, các hãng bay có đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời hơn so với thị trường để phản ánh đúng, đủ các biến số đầu vào như giá xăng dầu bay, biến động của tỷ giá. Đơn cử như cơ chế giá xăng dầu có sự điều chỉnh giữa liên Bộ Tài chính và Công Thương.

Quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng?

Trao đổi với PLVN, ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN hàng không Việt Nam cho biết, nước ta với 6 hãng hàng không trong nước, thị trường nội địa phủ sóng mỗi chặng ít nhất từ 2 hãng khai thác. Do đó, ông Nề cho rằng thị trường hàng không hiện nay có sức cạnh tranh cao, không còn độc quyền.

Ông Nề cho rằng, theo đánh giá của DN, trần giá vé vẫn đóng khung 8 năm là một sự bất hợp lý bởi mọi chi phí đầu vào hiện nay đã thay đổi, trong đó giá nhiên liệu bay, tỷ giá, lãi suất gần đây đều tăng mạnh. Việc nâng giá trần trên các đường bay nội địa là chủ trương đúng, giải pháp ngắn hạn nhằm giúp các DN vận tải hàng không tháo gỡ khó khăn, bù đắp chi phí, kinh doanh có hiệu quả.

“Tôi cho rằng, việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến NTD mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đến khách hàng”, ông Nề nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều NTD không đồng ý việc bỏ trần giá vé. Họ lo ngại các hãng hàng không sẽ thi nhau tăng giá vé vào những dịp cao điểm như lễ, Tết, mùa du lịch. Khi ấy, giá vé có thể cao ngất ngưởng, ngoài tầm với của đa số người lao động.

NTD phần nào an tâm khi vào đầu tháng 4 mới đây, khi thảo luận, góp ý Luật Giá (sửa đổi), cả Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều đề nghị giữ trần vé máy bay nội địa. Nguyên nhân chính 2 Bộ quản lý này đưa ra là Nhà nước cần công cụ điều tiết, tránh trường hợp các hãng hàng không đưa ra giá vé quá cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế. Việc này sẽ làm hạn chế cạnh tranh và ảnh hưởng tới quyền lợi NTD, tác động tiêu cực xã hội.

Do còn nhiều quan điểm khác nhau về trần giá vé máy bay, thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá tác động nếu bỏ trần giá vé máy bay, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự kiến tăng trần giá vé máy bay

Trên cơ sở tác động các chi phí nhiên liệu, tỉ giá và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. Thời gian dự kiến tăng trong quý II hoặc III/2023.

Đọc thêm