Sau đợt tăng giá xăng dầu mới nhất, bộ phận điều phối vận hành của nhiều hãng xe làm việc liên tục để tính toán dồn chuyến, dồn khách. Đây cũng là một hình thức tiết giảm lượng xe chạy để doanh nghiệp (DN) bớt lỗ trước sức ép giá dầu tăng và nhiều chi phí khác bủa vây. Xe tuyến cố định không chạy thì mất slot tại bến, nên nếu quá vắng khách, buộc phải dồn chuyến, dồn khách.
Nhiều DN vận tải, dù là chở khách hay chở hàng, đều cho rằng đang trong cảnh hoạt động cầm cự "chứ không dám nghĩ tới có lời".
Để các DN vận tải không lỗ khi giá nhiên liệu tăng quá cao hiện nay, theo một tính toán, giá vé phải tăng khoảng 15-20%. Nhưng các hãng xe đều cạnh tranh để có khách, nên tăng giá ngay là khó có thể thực hiện.
Nhiều DN sản xuất cũng lo lắng, giá xăng dầu tăng cao tác động mạnh tới chi phí vận hành. Giá nhiên liệu tăng cao khiến các DN ngành nhựa, sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các sản phẩm hoá dầu, chưa kịp hồi phục sau dịch đã lại càng khó khăn. Các DN dệt may cũng đối diện với bài toán thiếu nguyên liệu, lao động và tăng chi phí do giá xăng dầu leo thang. Giá nhiên liệu tăng nhưng cước vận tải hay giá đơn hàng xuất khẩu của các DN nhựa, dệt may... không phải muốn là tăng ngay được. Việc đàm phán với các đối tác để tăng giá cước lúc này cũng không dễ dàng. Để duy trì sản xuất, nhiều DN đang phải chuyển hướng tìm thị trường mới, phát triển thêm bán hàng tại thị trường nội địa, tìm các nguồn nguyên liệu mới có giá thành rẻ hơn...
Với nền kinh tế, xăng dầu tăng giá đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng bởi mặt hàng này chiếm quyền số khoảng 3,6% trong rổ hàng hoá tính CPI. Giá xăng dầu tăng đã khiến CPI tháng 5 tăng 0,38%.
Thực tế, DN, người dân đều đang chịu nhiều khó khăn khi phải vật lộn với “cơn bão giá”, nên kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ mạnh tay hơn trong đề xuất chính sách thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Bởi nếu chậm, mặt bằng giá mới với các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ thiết lập theo đà tăng của giá nhiên liệu thì khi đó việc kiểm soát lạm phát sẽ khó khăn hơn nhiều.
Hiện trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, thuế và các loại chi phí chiếm khoảng 35%, tức là mỗi lít xăng, dầu người tiêu dùng phải trả gần 12.000 đồng là tiền thuế, phí. Có bốn loại thuế đang được đánh vào xăng dầu, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường được thu theo số tuyệt đối và đã được giảm 50%, tức 1.900-2.000 đồng một lít với xăng. Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500 đồng với dầu - mức "kịch kim" theo thẩm quyền.
Song, một số DN và chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng hoặc thuế nhập khẩu - vốn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, để hãm đà tăng của giá xăng dầu trong nước. Đây là các loại thuế đánh theo tỷ trọng giá nhập khẩu. Giá nhập khẩu xăng thành phẩm càng cao, tiền thu từ các loại thuế này càng lớn. Tức là, khi giá cơ sở xăng dầu tăng, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng thì số thu các loại thuế này cũng tăng dù thuế suất không đổi.
Bộ Tài chính nên đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay giá trị gia tăng với xăng dầu thì mới có thể “hạ nhiệt” được mặt hàng này, tránh tác động tiêu cực thêm nữa cho sản xuất, kinh doanh, một ý kiến cho hay. VCCI mới đây khi góp ý với Bộ Tài chính cũng đề nghị về lâu dài nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Quốc hội bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Đó là những đề xuất cần lưu ý trong “cơn bão giá” hiện nay.