Anh Đỗ Bình Minh (ở Đống Đa, Hà Nội) kết hôn với chị Lại Thị Hương ở Cao Bằng năm 2001. Sau nhiều năm chắt chiu, dành dụm, vợ chồng anh Minh mới mua được một mảnh đất nhỏ ở Thủ đô. Tuy nhiên, khi đến Văn phòng đăng ký đất đai thì phát sinh vấn đề là vợ chồng anh Minh không có Giấy chứng nhận kết hôn (GCNKH) mà cả hai người đều muốn coi đây là tài sản chung và cùng đứng tên trên sổ đỏ.
Mặc dù anh Minh đã cam kết với cán bộ nhà đất là GCNKH (bản chính) của vợ chồng anh đã bị mất song vẫn không được chấp nhận. Anh Minh đành quay về UBND cấp xã nơi anh và chị Hương đăng ký kết hôn (ĐKKH) trước kia nhưng UBND giải thích không thể cấp lại bản chính vì Luật Hộ tịch năm 2014 không có quy định.
Theo Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, việc kết hôn, khai sinh, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại. Có điều quy trình thực hiện đăng ký lại kết hôn cũng tương đối chặt.
Trên thực tế có không ít những trường hợp như của anh Minh, do sơ ý hoặc vì những lý do bất khả kháng (hỏa hoạn, lũ lụt, thiên tai…) đã làm mất đi giấy tờ hộ tịch bản gốc, bao gồm cả GCNKH. Trong khi đó, GCNKH là thành phần giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ thực hiện khá nhiều thủ tục hành chính như ly hôn, làm sổ đỏ, mua bán nhà đất, làm visa, định cư tại nước ngoài, làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu cho con, chứng minh người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh…
Đối chiếu với trường hợp của anh Minh thì không thuộc trường hợp được đăng ký lại vì sổ hộ tịch liên quan đến việc ĐKKH của anh vẫn còn. Anh Minh có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức chưa quen với trích lục hộ tịch nên vẫn yêu cầu xuất trình bản chính giấy tờ hộ tịch, dẫn đến phiền hà cho người dân bởi họ đã mất bản chính thì làm sao xuất trình được.
Đó là chưa kể một số người dân muốn được cải chính hộ tịch liên quan đến GCNKH. Ví dụ, anh Nguyễn Minh Sơn đang sinh sống và làm việc ở Đồng Nai, lấy vợ là người Đồng Nai. Hai anh chị ĐKKH cách đây hai năm nhưng do yêu cầu của công việc nên anh Sơn đã sửa lại tên đệm của mình. Còn trong GCNKH thì tên đệm vẫn như cũ.
Hiện nay, anh đã có con, muốn sửa lại GCNKH để khai sinh cho con được đúng với tên đệm trong các giấy tờ của mình. Như vậy, anh Sơn phải làm thủ tục cải chính hộ tịch liên quan đến GCNKH để công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào GCNKH.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên đây, có ý kiến đề nghị nên cho phép cấp lại GCNKH để người dân thuận lợi trong giải quyết nhiều công việc của mình. Thậm chí, có quan điểm khẳng định, quy định đó thể hiện tinh thần cải cách hành chính, không có lý gì giấy tờ người dân bị mất lại cứ “bắt” họ phải đi làm trích lục mỗi khi phát sinh giao dịch đòi hỏi có GCNKH. Tuy nhiên, đề xuất này có hợp lý hay không trong bối cảnh Giấy khai sinh cũng không còn quy định được cấp lại thì cần được cơ quan chức năng nghiên cứu thấu đáo.
Người yêu cầu đăng ký lại việc kết hôn, khai sinh, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại. Đối với đăng ký lại kết hôn, hồ sơ gồm Tờ khai theo mẫu quy định; bản sao GCNKH được cấp trước đây. Nếu không có bản sao GCNKH thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung ĐKKH….
(Trích Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)