Đề xuất chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tập trung thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề giải ngân đầu tư công và các gói hỗ trợ, trong đó, có đề xuất đáng chú ý là “cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực phát triển”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường.

Phát triển thị trường nội địa, đa dạng thị trường xuất khẩu

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là 6,5% trên nền 8% trong năm 2022. Ông đánh giá “dù vẫn là mục tiêu cao nhưng tạo động lực để cả hệ thống chính trị nỗ lực, phấn đấu”. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, thị trường nội địa sắp cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Đây là bệ đỡ rất quan trọng cho doanh nghiệp (DN) ngay cả khi thế giới có những biến động mạnh, phức tạp. Do vậy, ngay từ bây giờ, cần tăng cường nguồn lực để DN tập trung phát triển thị trường nội địa.

Tuy nhiên, Đại biểu Cường cũng khẳng định “kiểm soát bội chi thấp là đầu tư dài hạn, nhưng trong bối cảnh cần sử dụng chính sách tài khóa ngược thì chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển là khoa học cần phải tính đến”.

“Chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực tăng đầu tư công năm 2023 hơn 38% so với năm 2022 trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó và khủng hoảng kinh tế thì cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới; Dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia” - Đại biểu Cường phát biểu.

Đáng chú ý, Đại biểu Cường đề xuất “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng DN khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa”.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH Hưng Yên) đưa ra các đề xuất, tập trung vào thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đại biểu Thắng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng; Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra phải cắt giảm chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao; Đối với dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, kịp thời điều chỉnh chủ trương đầu tư để sớm điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh vốn phân bổ.

Xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất sang hỗ trợ thuế, phí

Bên cạnh việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, việc hỗ trợ DN vượt qua thời kỳ khó khăn cũng được nhiều ĐBQH đề cập đến. Hầu hết các ý kiến đều đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực DN mạnh mẽ hơn.

Theo Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, 9 tháng qua, bên cạnh sự gia tăng của DN thành lập mới thì trung bình mỗi tháng số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn bình quân của năm 2020 và năm 2021. Một trong những nguyên nhân dẫn hiện tượng này là do các DN gặp khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.

Do đó, để hỗ trợ các DN phát triển trong thời gian tới, Đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các DN nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các DN nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính thuế đến hết năm 2023.

Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội đến thời điểm hiện nay tỉ lệ giải ngân theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn đạt thấp. Tính đến cuối tháng 9 đạt 20%. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt 13,5 tỷ đồng trong tổng số 16.035 tỷ đồng. “Chính phủ cần sớm có giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ này” - Đại biểu Thắng đề nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đánh giá, giải ngân chưa đạt so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn, gia hạn thuế thì triển khai thuận lợi hơn và đến nay đã đạt được 72,5% so với kế hoạch. Vì vậy, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét đưa nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các DN trong hoàn cảnh khó khăn.

Đọc thêm