Đề xuất chi phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông

(PLVN) - Bộ Tài chính vừa ban hành lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, về nội dung và mức chi thẩm định, Bộ này đề xuất 2 khoản chi phí chính là chi tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa và các khoản chi cho thành viên Hội đồng thẩm định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các khoản chi phí thẩm định sách giáo khoa

Dự thảo cho biết, Thông tư này hướng dẫn việc quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thực hiện theo quy định tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Quyết định số 404/QĐ-TTg).

Đối tượng áp dụng của Thông tư này là áp dụng đối với các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (sau đây gọi tắt là Hội đồng thẩm định) do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Về nội dung và mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Điều 4 Dự thảo Thông tư đề xuất 2 nội dung chi chính. 

Một là, chi tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa. Trong đó bao gồm, chi thuê hội trường, phòng họp, trang thiết bị phục vụ cho các cuộc họp thẩm định (nếu có), thuê thiết bị công nghệ thông tin, máy chiếu, thuê đường truyền, các chi phí trực tiếp khác có liên quan; chi khác phục vụ trực tiếp họp Hội đồng thẩm định (điện, nước, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, chuyển phát tài liệu đến thành viên của Hội đồng và các khoản chi trực tiếp khác): theo thực tế phát sinh.

Các khoản chi phí thực tế nêu trên khi thanh toán phải có đầy đủ chứng từ, hoá đơn theo quy định. Đối với các khoản chi thuê hội trường, phòng họp, thuê thiết bị phải có hợp đồng, hoá đơn theo quy định; trong trường hợp mượn cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị khác tổ chức họp thẩm định nhưng vẫn phải thanh toán các khoản chi phí điện, nước, vệ sinh, an ninh, phục vụ, thì chứng từ thanh toán là bản hợp đồng và thanh lý hợp đồng công việc giữa hai bên kèm theo phiếu thu của cơ quan, đơn vị cho mượn cơ sở vật chất; bên cho mượn cơ sở vật chất hạch toán khoản thu này để giảm chi kinh phí hoạt động của đơn vị.

Về chi nước uống, Dự thảo áp dụng mức chi nước uống tổ chức các cuộc hội nghị theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây gọi tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC).

Hai là, các khoản chi cho thành viên Hội đồng thẩm định. Bao gồm: Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp: tối đa 35.000 đồng/tiết/người; chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ; chi phụ cấp tiền ăn; chi tiền công họp thẩm định.

Cụ thể, về chi thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ, Dự thảo đề xuất, đối với trường hợp cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa không bố trí được phương tiện, không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho thành viên Hội đồng thẩm định mà phải đi thuê thì được chi theo mức chi quy định hiện hành tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC và văn bản của Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về chi phụ cấp tiền ăn, tuỳ theo địa điểm, thời gian tổ chức họp thẩm định sách giáo khoa, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức họp thẩm định quyết định chi phụ cấp tiền ăn cho thành viên Hội đồng thẩm định phù hợp với mức chi phụ cấp lưu trú được quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC và văn bản của Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Chi tiền công họp thẩm định, Dự thảo Thông tư đề xuất, Chủ tịch Hội đồng thẩm định: Tối đa 200.000 đồng/người/buổi; Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký Hội đồng thẩm định: Tối đa 150.000 đồng/người/buổi.

Nguồn kinh phí thực hiện

Theo đó, Điều 2 Dự thảo Thông tư nêu, nguồn kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông được trích từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách trung ương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, bao gồm cả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng chế độ. Đồng thời, việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, về kế toán.

Đọc thêm