Giá trị hàng tồn kho lên tới hàng chục triệu USD
Bộ Tài chính đã nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thời hạn lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế. Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Hải quan hiện hành quy định: “Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế phải được lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan. Thời hạn lưu giữ hàng hóa không quá 12 tháng kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan. Trường hợp có lý do chính đáng thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế gia hạn một lần không quá 12 tháng”.
Trong giai đoạn bệnh dịch, hàng hóa tồn đọng tại cửa hàng miễn thuế không bán được cho khách, hết thời hạn tạm nhập, doanh nghiệp phải thực hiện tái xuất/chuyển tiêu thụ nội địa/tiêu hủy. Tuy nhiên, việc tái xuất, chuyển tiêu thụ nội địa hoặc tiêu hủy đều khó khăn vì nhiều nguyên nhân.
Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đã nhập khẩu hàng hóa theo phương thức mua đứt bán đoạn nên việc xuất trả cho đối tác nước ngoài là không khả thi. Trường hợp chuyển tiêu thụ nội địa thì phải nộp thuế và tuân thủ chính sách quản lý, trong khi hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế chủ yếu là mặt hàng thuốc lá, rượu và mỹ phẩm mà theo quy định hiện nay thì thuốc lá không được chuyển tiêu thụ nội địa (làm thủ tục nhập khẩu), mặt hàng rượu được chuyển tiêu thụ nội địa nhưng chỉ có doanh nghiệp có giấy phép phân phối rượu mới được làm thủ tục nhập khẩu. Trường hợp tiêu hủy hàng hóa thì gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn này.
Thống kê đến tháng 6/2021 của cơ quan Hải quan cho thấy, tổng số tờ khai tạm nhập cửa hàng miễn thuế quá hạn là 3.183 tờ khai và trị giá hàng hóa gửi kho miễn thuế quá thời hạn lưu giữ là 54.602.024 USD.
Còn đối với thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan, khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa gửi kho ngoại quan được lưu giữ trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày được gửi vào kho; trường hợp có lý do chính đáng thì được Cục trưởng Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng”.
Cũng do ảnh hưởng COVID-19, một khối lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba không thể xuất khẩu được, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hoặc đang lưu giữ trong kho ngoại quan để chờ tìm đối tác xuất khẩu hoặc chờ thời điểm phù hợp để xuất khẩu theo yêu cầu của đối tác. Số liệu thống kê trị giá hàng hóa gửi kho ngoại quan quá thời hạn lưu giữ tính đến tháng 6/2021 là 439.931.267,54 USD. Tổng số tờ khai quá hạn là 2.804, trị giá 108.426.237,87 USD.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì hàng hóa gửi kho ngoại quan khi hết thời hạn lưu giữ tại Việt Nam, chủ sở hữu hàng phải thực hiện một trong những hoạt động: xuất khẩu hoặc tái xuất ra nước ngoài; nhập khẩu vào nội địa; thực hiện tiêu hủy với hàng hóa. Trường hợp nhập vào nội địa phải chịu chính sách thuế và chính sách mặt hàng như với hàng nhập khẩu, ngoài ra đối với một số mặt hàng gửi kho ngoại quan không được đưa vào nội địa (rượu, thuốc lá). Trường hợp thực hiện tiêu hủy, đối với hàng hóa được bảo quản trong tình trạng tiêu chuẩn, nguyên vẹn, bình thường sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Giải pháp nào gỡ khó?
Trong tương lai có thể xảy ra dịch bệnh khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Do vậy, việc sửa đổi quy định của Luật Hải quan nhằm cho phép hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan tiếp tục lưu giữ tại Việt Nam trong trường hợp xảy ra dịch bệnh là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Hải quan quy định sau: “Trường hợp xảy ra dịch bệnh theo công bố của cơ quan, người có thẩm quyền, hàng hóa đã hết thời hạn lưu giữ, kể cả thời gian đã gia hạn được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch và được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý cửa hàng miễn thuế gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt khác phát sinh giao Chính phủ quy định”.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất bổ sung khoản 1 Điều 61 theo hướng trường hợp xảy ra dịch bệnh theo công bố của cơ quan, người có thẩm quyền, hàng hóa đã hết thời hạn lưu giữ, kể cả thời gian đã gia hạn được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch và được Cục trưởng Cục Hải quan quản lý kho ngoại quan gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch. Khi xuất khẩu chỉ được xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Trường hợp đặc biệt khác phát sinh giao Chính phủ quy định.
Đồng thời, để đảm bảo quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật do Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo cũng quy định: “Hàng hóa đang lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho miễn thuế của doanh nghiệp, hàng hóa gửi kho ngoại quan nhưng hết thời hạn lưu giữ phát sinh trong thời gian cơ quan có thẩm quyền công bố dịch trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục lưu giữ và thực hiện gia hạn theo quy định của Luật này”.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"