Tinh giản bộ máy hay cồng kềnh hơn?
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, khi cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu các khoản BHXH mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị SDLĐ sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ. Cụ thể, khi thực hiện giải pháp này thì đơn vị SDLĐ chỉ cần nộp một tờ khai thay vì phải nộp hai tờ khai thuế và BHXH rồi nộp cho hai cơ quan khác nhau. Đồng thời, giảm thời gian khai thuế, giảm chi phí khai và nộp cho đơn vị SDLĐ.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng thêm chức năng thanh, kiểm tra cả thuế và BHXH tại doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu các cuộc thanh, kiểm tra. Ngoài ra, việc hợp nhất cũng giúp giảm bộ máy, tận dụng được chi phí nguồn lực sẵn có của cơ quan thuế như cơ sở hạ tầng ngành Thuế trong công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận rõ nhiều điểm khác biệt trong quản lý thu BHXH. Đơn cử, ngoài thu BHXH bắt buộc, cơ quan BHXH còn phải thu bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thu khu vực sự nghiệp công lập; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp… Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính, cơ quan thuế chỉ quản lý thu BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp.
Vậy, nếu hợp nhất bộ phận thu BHXH về cơ quan thuế, cơ quan BHXH vẫn phải duy trì bộ máy để thu các khoản BHXH khác. Như vậy, cả ngành Thuế và ngành BHXH cùng có “bộ phận thu BHXH”, không những không tiết kiệm chi phí, mà còn gây lãng phí hơn, bộ máy cồng kềnh hơn. Khi đó, người lao động, người dân muốn xác nhận BHXH sẽ phải đến hai cơ quan, gây lãng phí tiền bạc, công sức của họ.
Chưa kể, theo thống kê của Tổng cục Thuế thì tình hình nợ thuế cũng đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương. Hiện nay, có đến 13 tỉnh có số nợ thuế cao hơn 5% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là: Bình Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Khánh Hòa, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội và Quảng Ninh. Bên cạnh đó, hiện một số cục thuế có số nợ thuế lên đến trên 10% so với tổng thu nội địa do cục thuế quản lý, số nợ phát sinh mới (số liệu đến 30/9/2017 so với thời điểm 31/12/2016) có chiều hướng tăng lên.
Nếu hợp nhất việc thu BHXH về cơ quan thuế liệu có tăng thêm áp lực thu nợ đọng BHXH cho ngành Thuế, trong khi việc giải quyết nợ đọng thuế vẫn là một bài toán nan giải?
Không cần hợp nhất
Được biết, từ tháng 12/2014, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế ký quy chế phối hợp công tác. Đến nay, công tác phối hợp đã đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả. Việc thông báo, trao đổi kế hoạch thanh tra thuế; kế hoạch thanh tra, kiểm tra đóng BHXH của các DN tại từng địa phương đã được cơ quan BHXH và cơ quan thuế thống nhất, hạn chế chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra DN. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT, phát triển phần mềm để kết nối, xử lý thông tin tự động giữa cơ quan BHXH với cơ quan thuế đã cơ bản hoàn thành. Từ tháng 6/2015, cơ quan BHXH đã đưa vào sử dụng chung mã số thuế của DN.
Theo đó, căn cứ dữ liệu, thông tin cơ quan thuế cung cấp, cơ quan BHXH các địa phương đã rà soát, đối chiếu với danh sách DN tham gia BHXH từ đó phát hiện dấu hiệu vi phạm về BHXH của DN để tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp thanh tra.
Từ sự phối hợp này, cơ quan BHXH đã yêu cầu hơn 16.200 DN đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN lần đầu cho người lao động, với trên 182.000 lao động; số tiền nợ BHXH, BHYT thu được trên 758 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Minh (Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) cho biết: BHXH Việt Nam đánh giá công tác phối hợp giữa hai ngành rất hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác thu, phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. Thời gian tới, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế tập trung thực hiện một số nội dung như: Tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT đảm bảo kết nối tự động, cập nhật để thông tin chia sẻ, trao đổi giữa hai cơ quan được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH tỉnh, thành phố tiếp nhận các thông tin do cơ quan thuế cung cấp, hướng dẫn kết xuất thông tin từ dữ liệu quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN từ cơ quan BHXH để cung cấp cho cơ quan thuế, đảm bảo thông tin chia sẻ được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Đặc biệt, trong năm 2017, hai ngành đã triển khai nghiên cứu sử dụng chung mã số (của DN, người lao động). Đồng thời, nghiên cứu bộ mẫu biểu dùng chung cho DN khi kê khai nộp thuế cùng với kê khai nộp BHXH để giảm thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính về thuế và BHXH.
Ông Trần Đình Liệu (Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) cho rằng, phương án khả thi là cơ quan thuế thu hộ BHXH bắt buộc, thay vì hợp nhất 2 đơn vị thu. Đồng thời, bổ sung điều kiện với đơn vị SDLĐ được quyết toán thuế khi thực hiện xong các nghĩa vụ BHXH. Như vậy vẫn đảm bảo hiệu quả thu BHXH và tinh giản bộ máy.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Đa số các quốc gia hiện nay vẫn thực hiện thu BHXH và thuế theo 2 cơ quan riêng biệt. Đơn cử như Nhật Bản, quy định cơ quan BHXH chịu trách nhiệm vận hành Hệ thống Hưu trí quốc gia, quản lý về đối tượng tham gia BHXH, quỹ BHXH, quản lý lịch sử tham gia BHXH của người lao động (NLĐ), tư vấn các chế độ hưu trí, tính toán và chi trả các chế độ BHXH. Trung Quốc, Hàn Quốc đều giao cơ quan BHXH thu BHXH, chứ không phải giao cho cơ quan thuế. Do vậy, đề xuất này cần phải cân nhắc. Bởi, chỉ cơ quan BHXH mới theo dõi được lịch sử tham gia BHXH của NLĐ để giải quyết các chế độ (như chế độ như hưu trí thì phải khoảng sau 30 năm mới thực hiện). Nếu chuyển thu BHXH sang cơ quan thuế, sẽ dễ phát sinh những hệ luỵ, thậm chí có thể sau 5 năm đã phải sửa đổi lại.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH): Không nên hợp nhất cơ quan thuế và BHXH, vì thuế thu cho ngân sách, còn BHXH thu cho người lao động tích cóp về sau. Nếu hợp nhất, cũng chỉ thu xong rồi chuyển tiền cho BHXH quản lý, như vậy đâu cần hợp nhất, chỉ cần thêm chức năng thuế thu hộ BHXH. Ở một số nước, cơ quan thuế chỉ đứng ra thu hộ BHXH, không phải hợp nhất khâu thu của hai cơ quan với nhau, vì chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan khác nhau. Chưa kể, khi hợp nhất cũng chỉ phần BHXH bắt buộc, còn BHXH tự nguyện, BHYT vẫn phải có bộ phận của BHXH thực hiện, như vậy lại phình bộ máy thêm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính): Về nguyên tắc và mục đích, hai khoản thu này tương đối khác nhau. Thuế liên quan tới khoản thu nhập của cá nhân và DN phải đóng cho NSNN theo chính sách thuế. Còn thu BHXH nhằm đảm bảo cho NLĐ đã có thời gian cống hiến trong DN có được một khoản dự phòng và được trả theo tỉ lệ % sau khi đã hoàn thành thời gian lao động ở độ tuổi quy định. BHXH là khoản NLĐ bỏ ra trước để có một khoản quỹ, từ đó giúp họ có lương hưu, đảm bảo duy trì mức sống ở tuổi già. Một bên thu vào NSNN, còn một bên là thu gom lại, nên hai khoản thu không đồng nhất, nếu gộp cũng có cái dở.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH): Đề xuất cơ quan thuế thu BHXH không phải mới. Vấn đề này đã có nhiều năm nghiên cứu, để thu BHXH hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, đánh giá đầy đủ, trên mọi khía cạnh. Nếu cơ quan thuế thu BHXH sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn, giảm thủ tục hành chính thì cần thêm thời gian để nghiên cứu đầy đủ hơn, kể cả phương án sắp xếp nhân sự.
Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Đối tượng của cơ quan thuế và BHXH khác nhau. Cơ quan thuế theo dõi đầu mối DN. Còn cơ quan BHXH theo dõi đến từng cá nhân NLĐ, suốt cả cuộc đời cho đến khi chi trả lương hưu và đến lúc chết thì chi trả tiền tuất. Thu thuế chỉ có một quy trình, trong khi thu BHXH có từ 8 - 9 quy trình như tư vấn, hướng dẫn, lập danh sách, xét duyệt, thẩm định và chi trả chế độ. Như vậy, không thể nào chuyển toàn bộ nhiệm vụ này sang thuế thu được. Cải cách là rất tốt, nhưng phải thận trọng, tránh để đưa vào Luật rồi khó thực hiện, lại phải sửa…