Dự án đi qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Trong đó đoạn qua tỉnh Hậu Giang khoảng 7 km; tỉnh Sóc Trăng khoảng 15 km, tỉnh Bạc Liêu khoảng 36 km. Thời gian thực hiện 2023-2030, vốn ngân sách.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư theo quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe hạn chế, mặt đường rộng 17,5 m.
Đồng thời, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án giai đoạn 1.
Về cơ chế thực hiện, UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tương tự dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và giao UBND các tỉnh làm chủ đầu tư các dự án thành phần đoạn đi qua địa bàn.
Bản đồ hướng tuyến Dự án cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. |
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trong đó đoạn từ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến đê biển Bạc Liêu sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, kết nối các tuyến cao tốc trục dọc với trục ngang, nâng cao năng lực khai thác và hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tạo vùng không gian mới, động lực mới phát triển và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Đồng thời, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1 hiện đang quá tải, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Do vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đoạn từ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến đê biển Bạc Liêu trước năm 2030 là hết sức cần thiết.
Theo quy hoạch, vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng duyệt, khu vực này sẽ tập trung phát triển hệ thống hạ tầng đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; chú trọng phát huy thế mạnh giao thông đường thủy. Cùng với hệ thống cao tốc, vùng sẽ có 4 sân bay; 13 cảng biển; 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng đường thủy nội địa.
Phương án đầu tư đường cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, đoạn từ nút giao IC7 (giao với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) đến đê biển Bạc Liêu (giai đoạn 1) với tổng kinh phí khoảng 22.737 tỷ đồng. Chi phí giai đoạn 1 hơn 16.300 tỷ đồng.
Cụ thể, từ nút giao IC7 trên tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc tỉnh Hậu Giang, tuyến đi về hướng Đông Nam vượt qua rạch Ngã Ba Tàu để vào địa phận tỉnh Bạc Liêu, tuyến đi gần song song với kênh Ngan Dừa cách khoảng 5km, vượt kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vào địa phận tỉnh Sóc Trăng, tuyến tiếp tục đi thẳng hết địa phận tỉnh Sóc Trăng và tiếp tục đến Quốc lộ 1 và kéo dài đến đê biển tỉnh Bạc Liêu.