Gỡ mối rối để phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (gọi tắt Khu nông nghiệp CNC) được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ gắn với mục tiêu "xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc cản trở quá trình thi công.

Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước

Bạc Liêu xác định 01 trong 05 trụ cột phát triển kinh tế là tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, xác định phát triển con tôm là sản phẩm chủ lực kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết 06 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (gọi tắt Khu nông nghiệp CNC) được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Khu nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng trên diện tích trên 418 ha, thuộc địa bàn xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Hiện nay, Bạc Liêu đã và đang tích cực xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu gắn với mục tiêu “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu khảo sát tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vào ngày 03/04/2021.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu khảo sát tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vào ngày 03/04/2021.

Được biết, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ phát triển ngành công nghiệp tôm có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng ra các vùng nuôi tôm; tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao; Liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm dụng công nghệ cao trong ngành tôm; Tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao; Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm; Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm của tỉnh, vùng Bán đảo Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Vướng mắc về thủ tục pháp lý

Ông Phạm Hoàng Minh – Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu kiểm tra tiến độ thi công tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Hoàng Minh – Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu kiểm tra tiến độ thi công tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Hoàng Minh – Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đã xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn I, kinh phí do tỉnh đầu tư là 175 tỉ đồng bao gồm các hạng mục: Hệ thống đường; hệ thống ao lắng, kênh cấp nước, kênh chứa nước thải và hệ thống điện, tường rào bao quanh… Giai đoạn II kinh phí của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 194,874 tỉ đồng, đã tổ chức đấu thầu và giao mặt bằng cho nhà thầu đang khởi công xây dựng, gồm các hạng mục: khu quản lý, điều hành; khu kiểm định, xét nghiệm; khu nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng giao thông và các công trình hạ tầng khác…

Theo các văn bản quy phạm pháp luật: Luật đầu tư, Luật đất đai, Nghị định, Thông tư có phạm vi và đối tượng áp dụng cho Khu công nghệ cao, không quy định cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nên Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm chưa được phân cấp, ủy quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo khoản 2, Điều 32, Luật Đầu tư 2020 và rất khó khăn trong thực hiện cho thuê đất, thẩm quyền cho thuê đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ khi Luật Công nghệ cao ra đời ngày 13/11/2008 đến nay, chưa có Nghị định hoặc văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về mô hình hoạt động và cơ chế quản lý cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả nước, gây khó khăn, lúng túng trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước”.

Các công nhân đang cật lực xây dựng công trình tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Các công nhân đang cật lực xây dựng công trình tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Theo ông Phạm Hoàng Minh, trong thời gian tới, để thuận lợi trong hoạt động và quản lý, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong Nghị định về Khu công nghệ cao để thống nhất mô hình quản lý hoạt động của các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung nội dung sửa đổi Luật đất đai có quy định về quản lý và sử dụng đất trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý và sử dụng đất đai.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bạc Liêu đã thu hút nhà đầu tư và tuyển chọn được 09 doanh nghiệp tham gia trình diễn thuộc 5 lĩnh vực: Sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn vướng mắc về thủ tục pháp lý,… các doanh nghiệp thuê đất đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Trong năm 2022, Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Theo đó, tổ chức cho cán bộ, doanh nghiệp, nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi tôm, sản xuất giống tôm ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Ninh Thuận, Cà Mau và Kiên Giang.

Đồng thời, Ban Quản lý cũng phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao cho hơn 150 lượt nông dân trong tỉnh. Thông qua đó, trang bị những kiến thức, kỹ thuật mới giúp các doanh nghiệp, người dân áp dụng vào quy trình sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao; từng bước nâng cao hiệu quả, mở rộng diện tích sản xuất tôm giống, tôm nuôi công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm