Dự thảo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050 đang được lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề xuất toàn quốc sẽ giảm 3.200 tàu khai thác thủy sản trên biển đến năm 2030. Trong tổng số 83.600 tàu, chiếm phần lớn là tàu dài 6 - 12m với 39.000 chiếc; tàu dài 12 - 15m hơn 17.000 chiếc; tàu dài 15 - 24m là 24.500 chiếc; còn lại là tàu dài trên 24m.
Vùng biển miền Trung (Quảng Trị đến Bình Thuận) có số tàu cá nhiều nhất với 33.100 chiếc; Vịnh Bắc Bộ (Quảng Ninh đến Quảng Bình) có 23.800 chiếc; Đông Nam Bộ (từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bạc Liêu) có 13.000 chiếc; Tây Nam Bộ (Kiên Giang) có 13.600 chiếc.
Dự kiến đến năm 2030, các tỉnh, thành giảm tối thiểu 12% tổng số tàu cá so với năm 2020.
Số lượng tàu cá toàn quốc hơn 10 năm qua có xu hướng giảm. Năm 2010, toàn quốc có 128.400 tàu cá, sau 12 năm giảm 41.600 chiếc. Số tàu công suất lớn (đánh bắt xa bờ) tăng. Đến nay Việt Nam có đội tàu cá vùng khơi đạt 32.400 chiếc, vượt mục tiêu đề ra.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đề xuất cấm dùng các loại ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, mức độ gây hại cao đến nguồn giống chưa trưởng thành. Các loại ngư cụ tính chọn lọc thấp và cản đường di cư sinh sản của thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, cũng sẽ bị cấm.
Cùng với giảm tàu cá, số lao động trực tiếp tham gia khai thác thủy sản dự kiến sẽ giảm từ 730.000 hiện nay xuống 600.000 người năm 2030.
Chủ trương này nhằm đưa Việt Nam thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.
Những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam liên tục tăng trưởng. Trong 12 năm (2010 - 2022), tổng lượng thủy sản khai thác liên tục tăng từ 2,4 triệu lên 3,86 triệu tấn. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó khai thác 3,86 triệu tấn; nuôi trồng 5,19 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đánh giá, sản lượng thủy sản khai thác trên biển của Việt Nam đã vượt quá ngưỡng bền vững cho phép. Nguyên nhân chủ yếu là khai thác quá mức, chưa kiểm soát tốt.
Các tàu cá chủ yếu khai thác ven bờ với ngư cụ gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, trữ lượng thủy sản trên các vùng biển Việt Nam liên tục suy giảm. Những năm 2000, trữ lượng thủy sản toàn quốc khoảng 5 triệu tấn; 10 năm sau giảm còn 4,3 triệu tấn. Đến năm 2019, trữ lượng thủy sản chỉ còn 3,95 triệu tấn, trong đó phần lớn là cá nổi nhỏ.
Hồi tháng 6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương giảm tàu cá nhằm hình thành những nghiệp đoàn nghề cá mạnh trên biển. Bộ đang tính toán kêu gọi hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, trang bị hiện đại để đánh bắt xa bờ. Việt Nam sẽ xây dựng các đội tàu đánh bắt hải sản mạnh, với công nghệ khai thác và chế biến hiện đại.