Doanh nghiệp BOT cũng “than” khó
Hiệp hội taxi TP HCM và Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội mới đây kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan chức năng giảm phí BOT từ 3-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát phức tạp. Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT xem xét giảm phí BOT.
Liên quan đến những kiến nghị này, Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời các hiệp hội vận tải. Theo đó, Bộ GTVT cho biết, hiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, đã và đang tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách bị ảnh hưởng rõ rệt.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo bằng những hành động, giải pháp cụ thể nhằm tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt và rà soát, có các giải pháp cụ thể hỗ trợ, giảm chi phí cho DN thuộc ngành, lĩnh vực quản lý bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với chi phí của các phương tiện vận tải khi đi qua trạm thu phí hoàn vốn đầu tư dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT cho biết, đây là mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các nhà đầu tư hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.
Bộ GTVT cho rằng, thời gian qua, các DN BOT đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016.
Mặt khác, các ngân hàng đang yêu cầu DN BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Các DN BOT đang gặp rất nhiều khó khăn, nay thêm dịch Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến càng khó khăn hơn.
Khó can thiệp giảm phí BOT?
Từ những lý do trên, Bộ GTVT đề nghị các DN vận tải chia sẻ khó khăn với các DN BOT. “Với đề xuất của Hiệp hội để giảm chi phí vận tải, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giảm các loại phí do Nhà nước quản lý”, văn bản Bộ GTVT nêu.
Đối với nội dung kiến nghị giảm phí bến bãi, Bộ GTVT cho biết, đã yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe trong giai đoạn xảy ra dịch và sau dịch để hỗ trợ cơ chế chính sách cho các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe về giảm thuế, phí, lệ phí ra vào bến xe.
Trước đó, ngày 24/2/2020, Bộ Công Thương cũng có công văn hỏa tốc đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính giảm giá vé BOT, phí cầu đường, bến bãi để tháo gỡ khó khăn cho DN trong dịch Covid-19.
Trao đổi với PLVN, đại diện Bộ GTVT cho rằng, đối với các dự án BOT, về nguyên tắc, các DN thực hiện theo hợp đồng đã ký. “Với nhà đầu tư, BOT là tài sản của họ, họ thu phí theo các thông tư, nghị định của Nhà nước. Hơn nữa, các hợp đồng BOT liên quan đến các cam kết hợp đồng tín dụng, trả nợ ngân hàng”, vị này nói và cho biết, đấy là cái khó của Bộ GTVT.
“Bộ GTVT cũng khó chỉ đạo được vấn đề này”, vị này khẳng định. “Nếu như các dự án đường BOT tất cả đều là đường của Nhà nước thì Bộ GTVT có thể chỉ đạo, nhưng BOT chủ yếu là tài sản của tư nhân”, đại diện Bộ GTVT nói.
Vận tải hành khách hợp đồng giảm 70—80%
Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, riêng trong tháng 2/2020, vận tải hành khách liên tỉnh giảm từ 40-50% so với cùng kỳ tháng 2/2019 (ước đạt 2,6 đến 3,15 triệu hành khách). Trong đó, tại các bến xe: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sản lượng giảm từ 30-40%; Bến xe Yên Nghĩa giảm 43%; Bến xe Nước Ngầm giảm 65%.
Cũng trong tháng 2/2020, vận tải hành khách bằng xe taxi tại Hà Nội giảm từ 50-60% so với cùng kỳ (ước đạt 3,6 đến 4,58 triệu hành khách). Ảnh hưởng nhiều nhất chính là các loại hình xe hợp đồng với mức giảm lên tới 70-80% so với cùng kỳ (ước đạt 3,1 đến 4,58 triệu hành khách). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hợp đồng xe đưa đón học sinh, xe chở khách dịp lễ hội đã phải hủy bỏ.