Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động, Bộ VHTTDL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn, hủy tour thay vì thực hiện hủy tour.
Theo Bộ VHTTDL, gói tài chính này sẽ giúp các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” thời hạn 12-18 tháng, giá trị tương đương tour đã đặt cho khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.
Bộ VHTTDL cũng đề xuất cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà có phòng lưu trú du lịch cho thuê (homestay), người lao động mất việc trong cơ sở lưu trú du lịch (đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62 nghìn tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19). Miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa cũng như thẻ hướng dẫn viên trong năm 2020….
Và, đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.
|
Sau khi Việt Nam công bố hết dịch sẽ tập trung vào chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn” (ảnh minh họa) |
Về kịch bản phát triển sắp tới cho ngành Du lịch Việt Nam, theo Bộ VHTTDL sau khi Việt Nam công bố hết dịch sẽ tập trung vào kích cầu thị trường du lịch nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan… miễn/giảm có thời hạn giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí tham quan...).
Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn” và triển khai Chương trình kích cầu nội địa với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), các doanh nghiệp vận chuyển và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.
Triển khai xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh phục vụ chuyển đổi số ngành du lịch trong và sau dịch Covid-19....