Đề xuất “gộp” 39 Thông tư thành 1 Nghị định: Giảm khối lượng lớn thủ tục hành chính

(PLO) -Từ 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã chủ động rà soát và đề nghị Chính phủ giảm xuống còn 32 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc “cắt bỏ” này đã giảm một khối lượng lớn thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và đòi hỏi cán bộ thuộc ngành nông nghiệp phải tập trung hơn nữa vào công tác hậu kiểm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Xung quanh việc tiến hành rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để trình Chính phủ ban hành một nghị định chung về điều kiện kinh doanh của ngành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

-Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết tiến độ và khối lượng rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ NNN&PTNT theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ đến thời điểm này như thế nào?

- Ông Hà Công Tuấn: Hiện nay chúng tôi đã rà soát toàn bộ các văn bản trong lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết 35 và để phục vụ việc hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới đây.

Các điều kiện kinh doanh thuộc ngành qua rà soát đang nằm ở 7 luật, 5 pháp lệnh và 17 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Riêng Bộ NN&PTNT hiện đang có tới 39 thông tư quy định về điều kiện kinh doanh...

Tính chung trong lĩnh vực nông nghiệp thì có đến 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng theo tinh thần của Luật Đầu tư sắp tới thì lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn có 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nhưng trong dự thảo nghị định lần này, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ bỏ hẳn 3 ngành nghề không còn quy định điều kiện kinh doanh (liên quan đến cây cảnh, than hồng và ngư cụ). Các ngành nghề còn lại thì sẽ quy định theo hướng giảm tối thiểu thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào các điều kiện rất căn bản để bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh của sản phẩm.

Chúng tôi đã chuyển Bộ Tư pháp thẩm định và được biết đã có kết quả. Hiện dự thảo nghị định này đã trình Chính phủ đúng hạn vào 30/5.

-Là người được giao nhiệm vụ trực tiếp bám sát quá trình rà soát và soạn thảo nghị định, Thứ trưởng có thể chia sẻ điều gì khó khăn nhất trong quá trình này?

-Ông Hà Công Tuấn: Thực sự đây là công việc có khối lượng lớn, liên quan đến hầu hết các cục, vụ trong Bộ nên việc triển khai đồng bộ theo tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong toàn bộ đơn vị là rất khó.

Hơn nữa, các điều kiện kinh doanh được quy định từ trước đến nay nằm ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, do nhiều cấp ban hành..., do vậy việc rà soát đòi hỏi phải có thời gian. Đặc biệt cần có cán bộ chuyên môn hiểu biết về cả kỹ thuật của ngành lẫn pháp luật và phải thực sự tâm huyết.

Khó khăn nhất, theo tôi nhìn nhận, việc giảm từ 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện giờ chỉ còn có 32 ngành nghề cũng ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ trong ngành. Việc bỏ một lúc đi nhiều điều kiện như vậy không phải dễ, nên cần có sự thống nhất về tư tưởng và quyết liệt trong chỉ đạo.

Hiện chúng tôi đã xác định rõ với cán bộ công chức là những ngành nghề kinh doanh tới đây còn quy định thì vẫn phải giảm căn bản thủ tục hành chính. Việc giảm thiểu điều kiện kinh doanh cơ bản là phải khả thi và được doanh nghiệp đồng tình ủng hộ để tạo môi trường bình đẳng thuận lợi, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, nâng cao sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc hậu kiểm cũng sẽ được tiến hành mạnh mẽ, chặt chẽ hơn để bảo đảm chất lượng các sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý.

-Vậy làm sao để tránh việc chuyển các điều kiện kinh doanh một cách cơ học từ các thông tư của Bộ vào dự thảo Nghị định hiện nay để trình Chính phủ?

-Ông Hà Công Tuấn: Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định và thống nhất với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ NN&PTNT không chuyển một cách cơ học các điều kiện kinh doanh ở 39 thông tư hiện nay lên thành 1 nghị định. Chúng tôi chỉ quy định các điều kiện theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính.

Để nói làm thế nào quả là khó vì đây là cả một quá trình. Nhưng kết quả chúng tôi đạt được hiện nay có thể nói lên phần nào quá trình này. Nếu 39 thông tư chứa đựng các điều kiện kinh doanh của ngành nông nghiệp mà đưa lên nghị định một cách cơ học thì nghị định phải dài vài trăm trang.

Đến giờ, dự thảo nghị định của chúng tôi đã bao hàm nhiều ngành nghề có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhưng cũng chỉ hơn 20 trang, đó là những điều kiện khả thi và cấp thiết phải giữ.

-Theo đánh giá của Thứ trưởng, lĩnh vực nào trong ngành nông nghiệp khó khăn nhất khi tiến hành rà soát và chuyển điều kiện kinh doanh lên Nghị định? Sau khi hoàn thành dự thảo Nghị định này, Bộ đã có những chuẩn bị gì để Nghị định được triển khai hiệu quả?

-Ông Hà Công Tuấn: Chúng tôi mất nhiều thời gian nhất trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, thuốc thú y và nuôi trồng thủy sản. Đây là những lĩnh vực phải cân nhắc kỹ vì ngoài việc chúng ta phải dứt khoát giảm điều kiện kinh doanh về thủ tục hành chính, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn cần phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất tốt cho sản phẩm.

Đặc biệt như lĩnh vực bảo vệ thực vật, thậm chí mất cả buổi chỉ để xem xét những điều kiện nằm trong một ngành nghề cụ thể.

Theo kế hoạch thì trước ngày 15/6 tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ có kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ. Trong nửa đầu tháng 6 này Chính phủ sẽ xem xét nhiều điều nghị định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành trình lên. Chúng tôi hy vọng Nghị định về ngành nông nghiệp sớm được phê duyệt và ban hành.

Ngay sau khi ban hành Nghị định, cùng với kế hoạch thực hiện chi tiết, chúng tôi sẽ có riêng một Ban Chỉ đạo để thực hiện Nghị định theo đúng tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo.

Cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm