Đề xuất hàng hóa không thuộc diện cấm sẽ được lưu thông bình thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch. Các loại hàng hóa bị cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh sẽ không được lưu thông (trừ trường hợp đặc biệt).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều vướng mắc

Trong cuộc họp của các hiệp hội ngành hàng công nghiệp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đại diện các hiệp hội này nêu ý kiến, hiện các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông thương mại.

Ví dụ, mặt hàng sữa, đồ uống được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa, đồ uống không thể giao hàng đến đại lý.

Một doanh nghiệp chuyên sản xuất khẩu trang và đồ sơ sinh cũng đã phải quay xe lại Hải Phòng, không thể vào Hà Nội được trong thời gian này vì lý do nguyên liệu vải không liên quan đến sản phẩm, hàng hóa thiết yếu.

Đây chỉ là 2 trong nhiều ví dụ trước những quy định về “hàng hóa thiết yếu”. Trước những vướng mắc phát sinh trong lưu thông vận chuyển hàng hóa, Bộ Công Thương đã gửi Công văn hỏa tốc số 4481/BCT-TTTN đến Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước thông tin cụ thể về danh mục hàng hóa thiết yếu.

Trong văn bản, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm, nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ (sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...); nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...) và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, văn bản quy định danh mục hàng hóa thiết yếu nêu trên chỉ có tác dụng nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc một cách tình thế cho việc lưu chuyển hàng hóa đang diễn ra hiện nay. Tình trạng này có thể phát sinh bất kỳ thời điểm nào với bất kỳ mặt hàng nào nên sẽ có thêm các mặt hàng cần tháo gỡ tương tự như mặt hàng sữa, nguyên liệu sản xuất... Về lâu dài, để tránh việc tranh cãi về “hàng hóa thiết yếu” sẽ cần có một danh mục khác thay thế.

Đề xuất danh mục hàng cấm lưu thông

Ngay sau khi ký công văn hỏa tốc gửi các địa phương thông báo về danh mục hàng hóa thiết yếu, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 4482/BTC-TTTN đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa cấm lưu thông.

Lý do là vừa qua, khi một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã xuất hiện tình trạng một số địa phương còn lúng túng và thực hiện thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách xã hội.

Mặc dù các bộ, ngành liên quan đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về các vấn đề liên quan nhưng do cách hiểu cũng như tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn tại một số địa phương khác nhau dẫn tới những khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông.

Nếu đề xuất trên được Chính phủ thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông để nắm bắt cụ thể. Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách cấm lưu thông sẽ được cấp “thẻ xanh” để vận chuyển trên mọi địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác trong mọi điều kiện.

Để thuận lợi cho các DN vận chuyển những mặt hàng được phép lưu thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng hệ thống phầm mềm “luồng xanh”. Ban đầu, chỉ những xe chở hàng được cấp mã QR “luồng xanh” thì mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, cách này phát sinh nhiều vấn đề khó lường, nằm ngoài kiểm soát của Tổng cục Đường bộ.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc lưu thông hàng hóa vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc lưu thông hàng hóa vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Bà Đỗ Thị Thùy Dung - chủ một DN vận tải ở Hà Nội cho biết: “Tôi thấy cách quản lý lúng túng quá. Văn bản này chưa thực hiện xong thì đã ra văn bản tiếp theo. Trên hướng dẫn một đằng mà dưới thực hiện một nẻo”. Còn ông Đỗ Hồng Minh, chủ một DN vận tải khác nói: “Mặc dù đã có công văn của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ hay Bộ Y tế, Bộ Công Thương nhưng về các địa phương thì phải theo chỉ đạo của địa phương đó. DN cố gắng lắm mới có được cái thẻ “luồng xanh” thì xe qua được địa phương này nhưng lại không đi được địa phương khác”.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm