Đề xuất hoàn thiện thể chế từ cơn bão số 3

(PLVN) - Theo Bộ NN&PTNT, tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3 và hoàn lưu sau bão ước tính ban đầu là trên 81,5 nghìn tỷ đồng. Về lâu dài, Bộ đang đề xuất hoàn thiện thể chế hướng đến mục tiêu “Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu”…
Tan hoang sau bão (ảnh: Phạm Công)

Thiệt hại hơn 81,5 nghìn tỷ đồng

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, do có sự chỉ đạo tập trung và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của nhân dân trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ, nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời đoạn rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét.

Cụ thể, cập nhật ngày 27/9, có 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), gần 2.000 người bị thương; Gần 282 nghìn nhà bị hư hỏng, tốc mái; Hơn 112 nghìn nhà bị ngập.

Đặc về nông nghiệp, đã có hơn 284 nghìn ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; Hơn 61 nghìn ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; Hơn 39 nghìn ha cây ăn quả bị hư hại; Gần 190 nghìn ha rừng bị thiệt hại; Hơn 35 nghìn ha và gần 12 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; Hơn 44 nghìn con gia súc, hơn 5,6 triệu con gia cầm bị chết.

Về hệ thống điện, có 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV; 1.678 sự cố đường dây trung thế; hơn 6.151 nghìn khách hàng bị mất điện, trong đó 432 khu công nghiệp, cụm công nghiệp bị mất điện.

Về thông tin liên lạc, 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại (7 tuyến cáp trục liên tỉnh, 12 tuyến cáp trục nội tỉnh, 8.271 tuyến truyền dẫn nhánh); 210 cột ăng ten viễn thông bị gãy đổ; 9.235 trạm BTS bị mất liên lạc.

Về y tế, giáo dục, có 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, đã xảy ra 796 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh/thành phố (bao gồm: 104 sự cố sạt lở đê, 47 sự cố đùn sủi, 186 sự cố thẩm lậu, 205 sự cố lỗ rò thân đê, 13 sự cố nứt mặt đê, 80 sự cố tràn đê, 01 sự cố tràn đê cục bộ, 04 sự cố sập tổ mối, 09 sự cố rãnh xói mái đê, 98 sự cố cống, 17 sự cố sạt lở kè, 02 sự cố nứt kè, 26 sự cố sạt lở bờ sông, 01 sự cố vỡ đê); trong đó có 433 sự cố trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; 363 sự cố trên các tuyến đê dưới cấp III.

Mưa lũ khiến nhiều nơi ở tỉnh Thái Nguyên ngập sâu (ảnh: Bảo Trung)

Bão số 3 và mưa lũ cùng làm 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc (567 vị trí do sạt lở, hư hỏng công trình; 253 vị trí bị ngập do nước lũ dâng cao) và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá là hơn 13, 3 triệu m3; tuyến đường sắt phía Bắc bị ách tắc tại đoạn Đoan Thượng - Lào Cai; 04 sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân tạm ngừng khai thác trong ngày 07/9 khi bão đổ bộ.

Ngoài ra, có hơn 2.200 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng; hơn 1.300 công trình nước sạch bị hư hỏng.

Bộ NN&PTNT ước tính, tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn gấp đôi con số Bộ KH&ĐT trình Chính phủ hôm 15/09.

Trong đó, Quảng Ninh gần 24,9 nghìn tỷ đồng; Hải Phòng hơn 12, 2 nghìn tỷ đồng; Lào Cai gần 6,7 nghìn tỷ đồng; Yên Bái hơn 5,7 nghìn tỷ đồng; Hoà Bình hơn 1nghìn tỷ đồng; Cao Bằng 880 tỷ đồng; Lạng Sơn 900 tỷ đồng; Tuyên Quang 1.350 tỷ đồng; Thái Nguyên 859 tỷ đồng; Bắc Giang 5.000 tỷ đồng; Phú Thọ 1.588 tỷ đồng; Hải Dương 7.498 tỷ đồng; Hưng Yên 3.637 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.200 tỷ đồng, Thái Bình 1.479 tỷ đồng; Nam Định 1.142 tỷ đồng;…). Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, đánh giá và cập nhật thống kê thiệt hại.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế

Đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế hướng đến mục tiêu “Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu”, Bộ NN&PYNT đề xuất cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia, Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ từ Trung ương đến cơ sở.

Đề xuất rà soát, sửa đổi các bất cập trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (ảnh: Báo TN&MT)

Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành đảm bảo an toàn trước thiên tai; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của từng địa phương;

Rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, đề xuất các nhiệm vụ và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai, sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai lớn như bão số 3, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đê điều, thuỷ lợi, viễn thông, điện lực, công trình hạ tầng đô thị.

Đặc biệt, rà soát, sửa đổi các bất cập trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Vận hành hiệu quả, an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa quan trọng đặc biệt: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định.

Rà soát quy định về việc để người trên các tàu vận tải (nhất là tàu pha sông biển) trong các tình huống bão rất mạnh như bão số 3 để đảm bảo an toàn cho người trên phương tiện.

Bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định của Luật Đê điều và Nghị Quyết số 24-NQ/TW Ban Chấp hành trung ương Đảng ngày 03/6/2013 là bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu và các sông lớn khác.

Rà soát, điều chỉnh các quy định về tiếp nhận, phân bổ nguồn lực viện trợ, cứu trợ bằng tiền và hiện vật đảm bảo thống nhất quy trình, quy định và kịp thời.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng thủ dân sự (Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), trong đó bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

Đọc thêm