Đề xuất không đưa phân bón vào diện chịu thuế suất 5%

(PLVN) - Ngày 29/8, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị không quy định thuế suất 5% với phân bón. (Ảnh trong bài: Nghĩa Đức)
Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị không quy định thuế suất 5% với phân bón. (Ảnh trong bài: Nghĩa Đức)

Chịu thuế suất 5% sẽ làm tăng giá phân bón

Đóng góp ý kiến vào mức thuế suất 5% đối với một số mặt hàng, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị giữ mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như quy định hiện hành. Lý do được đưa ra là thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá các mặt hàng này sẽ tăng khi Luật Thuế GTGT (sửa đổi) có hiệu lực, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Đồng quan điểm, ĐB Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, nếu giữ quy định của Luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất nên sẽ làm tăng giá sản phẩm, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu. Còn nếu đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chắc chắn là khi tăng giá phân bón thì sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân.

Mặc dù theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước báo cáo sẽ giảm giá nhưng theo quy luật thị trường, việc này không thể bảo đảm có diễn ra hay không, vì Nhà nước không thể bắt buộc doanh nghiệp giảm giá bán phân bón. Do đó, ĐB Dương Khắc Mai chọn phương án là giữ như quy định hiện hành - mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT.

Cần quy định rõ các chính sách phát triển điện tự sản, tự tiêu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.

Cùng ngày, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đa số ĐB thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và khắc phục các tồn tại, hạn chế của luật hiện hành.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh quy hoạch điện, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần nghiên cứu quy định về thời gian định kỳ đánh giá thực hiện quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hài hòa; quy định rạch ròi thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có thẩm quyền chủ trì của Bộ Công Thương để bảo đảm công tác quy hoạch điện lực an toàn, hoàn chỉnh, đạt yêu cầu đề ra.

Về tiến độ thực hiện nguồn lực tại Điều 15, ĐB Hòa cho rằng, cần giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm giải thích rõ tiến độ thực hiện liên quan đến thời điểm phê duyệt dự án đầu tư, thời điểm thu xếp tài chính, thời điểm khởi công xây dựng nguồn điện và công trình điện. Tương tự, về cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, ĐB đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết, còn Luật chỉ quy định chung, các nguyên tắc cơ chế cơ bản, cốt lõi.

ĐB Hòa cũng nhấn mạnh cần thiết quy định trong Luật các chính sách phát triển điện tự sản, tự tiêu, điện tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, điện ngoài khơi. Tuy vậy, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu quy hoạch của các loại hình điện này như thế nào nhằm bảo đảm nhu cầu, yêu cầu thiết yếu.

Các quy định để bảo đảm phát triển thị trường điện theo hướng cạnh tranh, minh bạch, giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng vị ĐB đến từ Đoàn Đồng Tháp cho rằng, khi thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, Nhà nước cần có chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho những đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách… Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần làm rõ việc sửa đổi Luật có chống được độc quyền hay không, Nhà nước độc quyền đến đâu, giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào?

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã giải trình một số vấn đề ĐBQH nêu như về thị trường điện cạnh tranh, giá điện; bình đẳng trong tiếp cận điện của người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tình trạng độc quyền trong điều độ, vận hành, đầu tư các công trình điện; phạm vi an toàn công trình điện gió…

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, qua 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị đã thảo luận 12 dự án Luật, hoàn thành tốt đẹp toàn bộ chương trình đề ra. Sau Hội nghị này, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, tiếp tục lấy ý kiến của ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn chỉnh các dự thảo luật, báo cáo UBTVQH cho ý kiến về trình QH thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV.

Đọc thêm