Thí điểm trong nhiệm kỳ 2021 – 2026
Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo. Nhiều nghị quyết liên quan đã được ban hành và thực hiện hiệu quả, chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn bước đầu có sự phân biệt, dù chưa rõ nét. Nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biến chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách, đổi mới chính quyền địa phương, Thành ủy Hà Nội đã trình Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị và được Bộ Chính trị đồng ý cho thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội.
Theo dự thảo Nghị quyết, sẽ thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội. Kèm theo dự thảo Nghị quyết là danh sách 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường. Thời gian thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 của HĐND, UBND các cấp, bắt đầu từ ngày 1/6/2021 đến khi Quốc hội chấm dứt thực hiện thí điểm. Tại những nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường kết thúc nhiệm kỳ 2016 – 2021 vào ngày 1/6/2021, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND mới được thành lập.
Về mô hình, dự thảo Nghị quyết đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị; mô hình tổ chức ba cấp chính quyền (cấp thành phố; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn) ở khu vực nông thôn. Cụ thể, về tổ chức chính quyền của TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã và các xã, thị trấn khi thực hiện thí điểm thì mô hình giữ nguyên như hiện nay. Đồng thời, rà soát để bổ sung, điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ còn bỏ sót, các nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, ngành của thành phố; tăng cường phân cấp, ủy quyền trong một số lĩnh vực từ thành phố cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; thực hiện các giải pháp để củng cố chính quyền nông thôn tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật.
Còn tổ chức chính quyền địa phương ở các phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây thì chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND, không tổ chức HĐND phường. Các thành viên UBND phường do Chủ tịch UBND quận, thị xã bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
Bổ sung “sức nặng” từ thực tiễn
Đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết, nhiều thành viên Hội đồng nêu bật thêm nhiều cơ sở thực tiễn với mong muốn nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân Thủ đô, yêu cầu phát triển hội nhập của Thủ đô hiện đại, văn minh… Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng, trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết chưa đánh giá được tác động của việc thí điểm như sẽ giảm chi phí, con người ra sao; việc không tổ chức HĐND phường sẽ giúp giảm ngân sách được bao nhiêu, ngân sách giảm này có bổ sung cho Hà Nội không…
Đại diện Văn phòng Chính phủ thông tin, Hà Nội có văn bản xin tạm dừng chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường. Từ đó, vị này đặt ra vấn đề, nếu ấn định số lượng 177 phường thì tới đây nâng cấp một số huyện thành quận thì các phường thuộc những quận mới có thực hiện thí điểm không. Còn nếu quan niệm bất kỳ phường nào của Hà Nội đều không tổ chức HĐND phường thì phải cân nhắc, xem xét không ấn định danh sách các phường như dự thảo.
Ông Cao Đăng Vinh (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) tâm niệm, chủ trương không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội là rất rõ. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý, theo ông Vinh, việc thí điểm có thể trái luật nọ luật kia nhưng không được trái Hiến pháp. Ông Vinh dẫn chứng, Điều 114 Hiến pháp quy định UBND do HĐND cùng cấp bầu, nhưng theo dự thảo thì các thành viên UBND phường do UBND quận bổ nhiệm… liệu có hợp lý không. Bên cạnh đó, khi chưa thành lập được UBND mới, việc thực hiện vai trò, chức năng của chính quyền địa phương là như thế nào.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết, trong đó là để triển khai Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Thứ trưởng thẳng thắn yêu cầu bổ sung đánh giá về việc thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2009 – 2015 theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thêm thực tiễn đề xuất được mô hình phù hợp. Chia sẻ việc xây dựng dự thảo trong điều kiện thời gian vật chất không có nhiều song Thứ trưởng vẫn đề nghị nên rà soát thật kỹ các luật liên quan… Riêng về danh sách các phường, Thứ trưởng gợi ý chỉ đưa vào Tờ trình để minh hoạ, chứ không cứng nhắc đưa vào Nghị quyết của Quốc hội và nên chăng có điều khoản quy định ưu tiên áp dụng Nghị quyết này trong một số vấn đề cụ thể nào đó.