Đề xuất “nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch nước”

Ngày 23/3, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị cán bộ các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại diện các đơn vị đã những góp ý tập trung vào các Chương về chế độ chính trị và về Quốc hội.

Ngày 23/3, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị cán bộ các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại diện các đơn vị đã những góp ý tập trung vào các Chương về chế độ chính trị và về Quốc hội.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Ngô Trung Thành:
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Ngô Trung Thành: "Thẩm quyền của Quốc hội và của Chính phủ có sự vênh nhau".

Nhất thiết phải duy trì Điều 4 Hiến pháp

Tán thành với Điều 4 Dự thảo sửa đổi về việc tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nhiều góp ý nhận định Dự thảo đã thể hiện sâu sắc, toàn diện hơn về bản chất của Đảng trong Hiến pháp, đúng đắn và phù hợp với tinh thần của Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).

Có ý kiến đánh giá cao việc Dự thảo bổ sung các quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình” và “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học Phan Thị Toàn nhấn mạnh: Trong thời gian qua, có không ít người đã thể hiện quan điểm cực đoan, thậm chí là thù địch, chống phá khi cho rằng cần bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, điều đó có nghĩa là muốn xóa bỏ vị trí độc quyền của Đảng, đảm bảo cạnh tranh với đảng khác.

Theo bà Toàn, việc quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là điều không thể thay đổi, nhất thiết phải duy trì Điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến động to lớn và phức tạp, tác động đến đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước hiện nay.

Tuy nhiên, bà Toàn đề nghị bổ sung từ “duy nhất” trước cụm từ “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” để khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vai trò lãnh đạo đất nước và dân tộc Việt Nam. Như vậy, khoản 1 Điều 4 được thiết kế thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, phải thực hiện chế tài, kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong quá trình quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Đặc biệt, có ý kiến đề xuất quy định cụ thể hơn về hình thức thể hiện của dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Theo đó, để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp nhất thiết phải có cơ chế cho nhân dân tham dự trực tiếp vào tổ chức, hoạt động các cơ quan nhà nước; trước mắt, cần quy định nhân dân bầu cử trực tiếp chức danh Chủ tịch Nước, thay vì bầu thông qua Quốc hội như Dự thảo sửa đổi.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về Quốc hội

Góp ý hoàn thiện nhiều điều khoản trong Chương V về Quốc hội, đại diện các vụ, đơn vị cơ bản đồng tình với Dự thảo đã thể hiện sự đổi mới quan niệm về quyền lập hiến, quyền lập pháp của Quốc hội, gián tiếp khẳng định nhân dân cũng là chủ thể của quyền này. Song về thẩm quyền của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định Quốc hội “quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia” hoặc sửa đổi thẩm quyền của Quốc hội đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chỉ là “thẩm tra và phê chuẩn”.

Còn Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội Ngô Trung Thành thẳng thắn kiến nghị bỏ các nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vì đây là các hoạt động thực thi quyền hành pháp. “Nếu quy định như Dự thảo, thẩm quyền của Quốc hội và của Chính phủ có sự vênh nhau, cuối cùng Chính phủ không có thẩm quyền gì hết”, ông Thành phân tích.

Ngoài ra, có một số ý kiến yêu cầu bổ sung các quy định bảo đảm đầy đủ điều kiện thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là các chế tài để thực hiện nghiêm các kiến nghị sau giám sát; quy định nhằm nâng cao vai trò đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách; quy định về thẩm quyền của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định không trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các dự án luật chưa bảo đảm chất lượng…

Thục Quyên

Đọc thêm