Đề xuất quy định mới về chế độ nhuận bút tác phẩm báo chí, xuất bản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Đề xuất quy định mới về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. (Ảnh minh họa).
Đề xuất quy định mới về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. (Ảnh minh họa).

Nhiều bất cập

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP được ban hành năm 2014 đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí, xuất bản, tác động tích cực, khuyến khích sự sáng tạo, phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng; tạo khung pháp lý để các cơ quan báo chí, nhà xuất bản hoạt động phù hợp với các quy định về tài chính… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thi hành, Nghị định số 18/2014/NĐ-CP đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, theo Bộ TT&TT, quy định của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, cơ chế chi trả nhuận bút không phân biệt tác phẩm hình thành từ nguồn tài chính nào, trong khi hiện nay cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho phép các đơn vị tự đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn. Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí cho cơ quan báo chí, nhà xuất bản sản xuất tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm theo phương án tự chủ tài chính hoặc được cấp theo cơ chế trả nhuận bút (mua quyền sử dụng tác phẩm), nhưng Nhà nước không được xác định là chủ sở hữu quyền tác giả.

Hiện nay, theo cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Theo đó, chi phí sản xuất tác phẩm tính đủ chi phí, bao gồm chi phí nhân công (gồm cả thù lao cho công tác biên tập, thiết kế, chế bản); có sự phân định rõ về mặt sáng tác tác phẩm của tác giả (bản thảo) với phần biên tập, thiết kế, chế bản. Các khoản chi phí đã có định mức kinh tế - kỹ thuật để áp dụng, chi tiết hơn, rõ ràng hơn so với Nghị định số 18/2014/NĐ-CP. Như vậy, dẫn đến cơ quan báo chí lúng túng, áp dụng chế độ nhuận bút, thù lao theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP hay theo định mức kinh tế - kỹ thuật.

Quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, Bộ TT&TT cho rằng có nhiều nội dung cần sửa đổi, như: (1) bổ sung quy định trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả (gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao), Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; (2) Cơ chế hình thành Quỹ nhuận bút không phù hợp với quy định pháp luật về ngân sách Nhà nước cần bãi bỏ; (3) Cần quy định phương pháp tính nhuận bút, thù lao mới đối với tác phẩm báo chí để đảm bảo phù hợp chủ trương của Đảng (bãi bỏ mức lương cơ sở) và cơ chế tự chủ tài chính hiện hành (thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được Nhà nước ban hành) và một số nội dung khác… Do đó, Bộ TT&TT đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 18/2014/NĐ-CP.

Phân loại mức nhuận bút để khuyến khích sáng tạo

Tại dự thảo, Bộ TT&TT quy định, mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm tại Nghị định này và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm hoặc theo hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm với nhà xuất bản. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến sáng tạo tác phẩm cùng thể loại.

Tác giả của tác phẩm dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số, phóng sự điều tra; tác giả là người Việt Nam viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh viết trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số viết trực tiếp bằng tiếng của dân tộc thiểu số khác; tác giả dịch các tác phẩm có giá trị của Việt Nam ra tiếng nước ngoài; tác giả của tác phẩm được thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác được hưởng nhuận bút cao hơn nhằm khuyến khích sáng tạo.

Tác phẩm thuộc loại hình sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cao hơn tác phẩm dịch, phóng tác, rút gọn, cải biên, chuyển thể, sách nói, sưu tầm, biên soạn, chú giải, tuyển tập và hợp tuyển. Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định của cơ quan sử dụng tác phẩm khi tác phẩm đó được sử dụng làm tuyển tập, hợp tuyển, phóng tác, rút gọn, cải biên, chuyển thể, sách nói, sưu tầm và biên soạn thành tác phẩm mới hoặc dịch sang ngôn ngữ khác. Đối với tác phẩm gốc được dịch sang ngôn ngữ khác để thể hiện trên loại hình báo chí khác hoặc ấn phẩm báo chí khác của cùng một cơ quan báo chí, việc chi trả nhuận bút thực hiện theo quy định của từng cơ quan báo chí.

Dự thảo cũng quy định, chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải trả hết tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Trường hợp cơ quan báo chí đã liên hệ, thông báo ít nhất 3 lần cho người hưởng nhuận bút nhưng không nhận được hồi âm thì tiền nhuận bút đó được chuyển sang chi trả nhuận bút của năm tiếp theo. Đối với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước thực hiện trả tiền bản quyền theo quy định.

Về quy định nhuận bút, thù lao đối với xuất bản phẩm: Dự thảo Nghị định bổ sung người biên soạn được hưởng thù lao; bổ sung thể loại trong Khung chi trả nhuận bút, gồm: Xuất bản phẩm thuộc thể loại biên soạn, rút gọn, sách nói; bổ sung quy định nhuận bút sách nói cho người thể hiện giọng đọc; bổ sung quy định nhuận bút được trả cho mỗi lần ký hợp đồng sử dụng tác phẩm; nâng mức trần tỷ lệ phần trăm của 11 thể loại xuất bản phẩm sáng tác, 2 thể loại xuất bản phẩm dịch.

Đọc thêm