Đề xuất sửa đổi quy định về phí bảo vệ môi trường

(PLVN) -  Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản.
Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, thực hiện thu phí BVMT đối với khoáng sản theo quy định tại Nghị định 164/2016/NĐ-CP (NĐ 164) đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý khai thác khoáng sản; khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, khai thác hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản gắn liền với công tác BVMT; góp phần phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, bảo vệ, tái tạo cảnh quan môi trường nơi khai thác khoáng sản.

Sổ thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản hàng năm đã góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho BVMT tại nơi khai thác. Cụ thể, số thu phí năm 2017 đạt 3.029 tỷ đồng, năm 2018 đạt 3.448 tỷ đồng; năm 2019 đạt 3.737 tỷ đồng, năm 2020 đạt 3.576 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện NĐ 164 đã phát sinh một số vấn đề cần hoàn thiện như sau:

Thứ nhất, cần triển khai chủ trương mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong số các giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Nghị quyết có để cập đến giải pháp: Hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý khai thác khoáng sản. Trong đó, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông. Tại Chỉ thị số 38/CT-TTg, Thủ tướng chỉ đạo: Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (bao gồm chính sách phí) đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông. Do đó, cần triển khai chủ trương của Đảng mới, pháp luật của Nhà nước trong chính sách phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của NĐ 164 để xử lý vướng mắc phát sinh trong thực hiện. Theo Bộ Tài chính, căn cứ sổ sách, chứng từ, tài liệu theo quy định của pháp luật khoáng sản có thể xác định số lượng đất đá bóc, đất đá thải và số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác làm căn cứ tính phí BVMT. Tuy nhiên, NĐ 164 không căn cứ theo các tài liệu này mà căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình báo cáo đánh giá tác động môi trường, các tài liệu khác và căn cứ vào tỷ lệ quy đổi, chưa bảo đảm thống nhất với pháp luật khoáng sản.

Đối với việc xác định số lượng khoáng sản chỉnh và khoáng sản đi kèm làm căn cứ tính phí:

Tại khoản 4 Điều 5 NĐ 164 đã giao địa phương quy định tỷ lệ quy đổi làm căn cứ tính phí từng loại khoáng sản. Nhưng chưa quy định tài liệu làm căn cứ xác định tỷ lệ quy đổi, gây khó khăn, không thống nhất trong thực hiện. Trong khi tại Quyết định số 1673/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 và Quyết định số 437/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia: Hội đồng có con dấu hình quốc huy, thực hiện thẩm định, phê duyệt hoặc công nhận trữ lượng và tài nguyên khoáng sản trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý.

Theo Mẫu 30 kèm theo Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT: Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản là văn bản phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản. Quyết định này có giá trị pháp lý (có dấu Quốc huy), có nội dung thống nhất với Báo cáo thăm dò trữ lượng khoáng sản.

Vì vậy, cần căn cứ vào Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản để xác định tỷ lệ trữ lượng từng loại khoáng sản có trong tổng trữ lượng hợp kim nguyên khai, từ đó xác định số lượng khoáng sản chính và từng khoáng sản đi kèm làm căn cứ tính phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.

Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại NĐ 164 để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế và Luật BVMT.

Cụ thể, tại Điều 45 Luật Quản lý thuế và Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý thuế: (i) Khai phí BVMT đối với khai thác khoáng sản tại cơ quan thuế nơi khai thác khoáng sản. (II) Riêng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than và Tổ chức thu mua gồm từ người khai thác nhỏ lẻ thì khai phí tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, Điều 3 NĐ 164 quy định cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi khai thác khoáng sản thu phí là chưa bảo đảm thống nhất với pháp luật quản lý thuế.

Tại khoản 2 Điều 136 Luật BVMT: Phí BVMT áp dụng đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Pháp luật khoáng sản đã quy định cụ thể các trường hợp được phép hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, tại Điều 7 NĐ 164 đã quy định thu phí với “Tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, mà thu được khoáng sản” là chưa phù hợp với Luật BVMT.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước đã quy định về quản lý tiền phí nộp ngân sách nhà nước. Theo đó: Các khoản thu từ phí, lệ phí được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện.

Trong khi tại Điều 8 NĐ 164 quy định cụ thể các nội dung chỉ cụ thể liên quan đến BVMT đối với khai thác khoáng sản nhưng các địa phương không thực hiện chi trực tiếp từ phí mà vẫn phải chỉ theo dự toán từ ngân sách nhà nước. Cho rằng nội dung quy định như vậy là chưa thống nhất với nguyên tắc quy định tại Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước.

Với các vướng mắc nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu xây dựng Nghị định để thay thể NĐ 164.

Đọc thêm