Đề xuất tăng vốn Nhà nước ở dự án cao tốc PPP: Cần làm rõ nhiều vấn đề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Liên quan đến đề xuất nâng hạn mức vốn nhà nước ở các dự án cao tốc đầu tư theo phương thức PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vốn hỗ trợ của Nhà nước trong dự án PPP chỉ có tính chất là “vốn mồi”, là đòn bẩy để thu hút nguồn lực tư nhân. Do đó cần làm rõ một số vấn đề để có cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vốn nhà nước chỉ là “vốn mồi”

Trước đó Bộ GTVT có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, phát triển tuyến cao tốc.

Theo Bộ GTVT, ở Việt Nam, quá trình sơ tuyển các dự án PPP trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm các dự án có nhu cầu vận tải lớn vốn tham gia nhà nước thấp, vốn huy động nhà đầu tư lớn, thì các nhà đầu tư trong nước lại quan tâm các dự án vốn nhà nước lớn, vốn huy động nhà đầu tư thấp.

Theo ý kiến của Bộ GTVT, việc nâng hạn mức phần vốn nhà nước lên 75% sẽ góp phần tăng tính khả thi đối với một số dự án dự kiến triển khai giai đoạn tới có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn. Vì thế Bộ này đề xuất bổ sung 1 khoản tại Điều 69 Luật PPP để nâng hạn mức phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP đối với một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng từ 50% lên 75% tổng mức đầu tư của dự án, nhằm đảm bảo tính khả thi đối với một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng (nhóm A và quan trọng quốc gia).

Bộ KH&ĐT khẳng định, vốn hỗ trợ của Nhà nước trong dự án PPP chỉ có tính chất là “vốn mồi”, là đòn bẩy để thu hút nguồn lực tư nhân. Do đó, về nguyên tắc, dự án càng có phần hỗ trợ của Nhà nước thấp thì tính khả để triển khai theo phương thức PPP càng cao. Một số nước trên thế giới (Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines) đều áp mức trần vốn nhà nước tối đa 50%.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, việc nâng hạn mức vốn nhà nước đối với một số dự án giao thông quan trọng như đề xuất nêu trên của Bộ GTVT có thể được cân nhắc để phù hợp với yêu cầu và điều kiện đặc thù trong phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Tuy nhiên, để có cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đề nghị Bộ GTVT giải trình cụ thể lợi thế có thể đạt được của việc đầu tư theo hợp đồng BOT (sử dụng tới 75% vốn nhà nước) so với phương thức đầu tư công (sử dụng 100% vốn nhà nước, sau đó thu hồi vốn thông qua hợp đồng O&M); đồng thời bổ sung các lập luận khẳng định nếu không nâng hạn mức vốn nhà nước thì không thể thực hiện thành công các dự án giao thông đường bộ trọng điểm trong bối cảnh hiện nay.

Rà soát, chỉnh sửa quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu

Cũng theo Bộ GTVT, gói thầu tư vấn thuộc dự án đường bộ cao tốc có cấp hạng kỹ thuật cao (từ cấp I trở lên) là những gói thầu đòi hỏi nhà thầu tư vấn phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện năng lực, kinh nghiệm cao. Quá trình đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thời gian qua cho thấy số lượng nhà thầu tư vấn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án không nhiều (tập trung ở một số nhà thầu mạnh) nên việc lựa chọn nhà thầu gặp nhiều khó khăn, cá biệt một số gói thầu phải tổ chức đấu thầu lại làm kéo dài thời gian.

Vì vậy, việc áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn của dự án đường bộ cao tốc sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện, mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án so với hình thức đấu thầu rộng rãi. Do đó, Bộ này cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 22 Luật Đấu thầu để mở rộng các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu.

Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc đề xuất các giải pháp rút ngắn tiến độ thực hiện công tác đền bù GPMB, tiến độ thực hiện các công việc tư vấn của dự án sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nói chung và dự án đường bộ cao tốc nói riêng. Tuy nhiên, tại văn bản đề xuất, Bộ GTVT chưa đưa ra được các số liệu thống kê về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đánh giá tác động trong các trường hợp áp dụng chỉ định thầu.

Do đó, để có đủ cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu đối với các trường hợp áp dụng chỉ định thầu, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT tổng hợp số liệu thống kê về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn trong thời gian qua; nêu rõ các khó khăn, vướng mắc khi phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, các thuận lợi khi áp dụng chỉ định thầu đánh giá tác động của việc áp dụng chỉ định thầu đối với sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn giao thông; đánh giá tác động của việc áp dụng chỉ định thầu đối với chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư....

Cũng theo Bộ KH&ĐT, khi tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu (dự kiến trong năm 2022), Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan rà soát, chỉnh sửa quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp nhằm tiết kiệm hơn nữa thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thông qua đấu thầu.

Đọc thêm