Đề xuất tăng vốn Nhà nước tại các dự án đường bộ cao tốc PPP: Bộ Tài chính cảnh báo cần xem xét cẩn trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi một số quy định để tháo gỡ khó khăn đầu tư, phát triển đường cao tốc, Bộ Tài chính đã có ý kiến chính thức.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phân cấp đầu tư trong Luật Giao thông đường bộ chưa rõ?

Về kiến nghị của Bộ GTVT sửa đổi quy định nguyên tắc phân cấp quản lý nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp NSNN (khoản 9 Điều 9 Luật NSNN), Bộ Tài chính cho biết: Luật NSNN quy định phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp NS theo nguyên tắc nhiệm vụ chi thuộc NS cấp nào do NS đó bảo đảm.

“Không dùng NS của cấp này chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng NS của địa phương này chi cho nhiệm vụ địa phương khác, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể tại khoản 9 Điều 9 Luật NSNN”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ chi của các cấp NS còn phải căn cứ trên cơ sở quy định pháp luật chuyên ngành về trách nhiệm đầu tư xây dựng, vận hành công trình hạ tầng. Hiện Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định hướng dẫn mới chỉ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cấp theo phân loại đường bộ... Trách nhiệm đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc hiện chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông.

Theo Bộ Tài chính, phạm vi đề xuất sửa đổi của Bộ GTVT khi kiến nghị bổ sung khoản 5 Điều 7, khoản 9 Điều 9 Luật NSNN là rộng hơn so với chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Trong khi chưa có đánh giá về tác động của đề xuất chính sách đến tính hợp lý, đến quản lý NS, đầu tư, xây dựng.

Trường hợp cần thiết phải có cơ chế riêng về nguyên tắc phân cấp quản lý nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp NSNN, Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại để đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ GTVT cần đề xuất Thủ tướng, Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số cơ chế cho đầu tư, phát triển các tuyến đường bộ cao tốc.

“Phần vốn Nhà nước hỗ trợ dự án PPP là vốn mồi”

Theo tính toán của Bộ GTVT, để đảm bảo tính khả thi cho một số dự án PPP hoàn vốn trong 20 - 30 năm thì tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án cần khoảng 70-75% tổng mức đầu tư. Từ đó, Bộ này đề xuất bố sung 1 khoản tại Điều 69 Luật PPP theo hướng cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng (nhóm A và quan trọng quốc gia) từ 50% lên mức 75% tổng mức đầu tư của dự án.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, mức vốn Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% tổng mức đầu tư cho các dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BOT, hợp đồng BTO theo khoản 2 Điều 69 Luật PPP được áp dụng ở nhiều nước.

Với kiến nghị nâng phần vốn Nhà nước hỗ trợ lên 75% tổng mức đầu tư, trường hợp dự án PPP không sử dụng đến phần dự phòng trong tổng mức đầu tư (dự phòng chiếm khoảng 10-20% tổng mức đầu tư) thì phần vốn nhà đầu tư thực tế phải huy động để thực hiện dự án là thấp (chiếm 5-15% tổng vốn đầu tư).

Bộ Tài chính lưu ý, việc nâng mức vốn Nhà nước trong các dự án PPP phải được xem xét cần trọng, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực của ngân sách và phù hợp với nguyên tắc “phần vốn Nhà nước hỗ trợ dự án PPP là vốn mồi”.

Còn với các dự án yêu cầu mức hỗ trợ của Nhà nước cao có thể xem xét đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL (HĐ Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ), BLT (HĐ Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao) hoặc phương án đầu tư công và Nhà nước sẽ thu phí để thu hồi vốn đầu tư công, tương tự như một số dự án thành phần cao tốc Bắc, Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chưa đủ cơ sở thực tiễn đánh giá tính khả thi của đề xuất?

Theo Bộ Tài chính, thực tế triển khai 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy, dù 8/11 dự án thành phần thực hiện theo hợp đồng BOT đã được Quốc hội phê duyệt đủ phần vốn đầu tư công hỗ trợ, tỷ lệ vốn đầu tư hỗ trợ cho từng dự án thành phần không bị hạn chế; song một số dự án không thu hút được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư không đảm bảo tiêu chuẩn.

Điều này khiến Bộ GTVT đã phải kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép chuyển đổi 5/8 dự án thành phần BOT sang đầu tư công; Còn 3 dự án BOT hiện công tác ký kết hợp đồng tín dụng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị Bộ GTVT tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc nêu trên để đảm bảo đủ cơ sở thực tiễn đánh giá tính khả thi của đề xuất sửa đổi chính sách trong quản lý thực hiện các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt vấn đề thu hút nhà đầu tư.

Đọc thêm