Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với kẹo cao su

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bã kẹo cao su không chỉ là chất thải phổ biến mà còn không thể phân hủy sinh học. Mới đây, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kẹo cao su được đưa vào danh sách các sản phẩm phải đóng góp Quỹ Bảo vệ môi trường – thông tin hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với kẹo cao su

Chất thải phổ biến, khó phân hủy

Viên kẹo cao su dù nhỏ bé nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Các nhà khoa học ước tính, có khoảng 250.000 tấn chất thải từ kẹo cao su trong các bãi chôn lấp trên toàn cầu, chưa bao gồm bã kẹo cao su dính trên mặt đường, gầm ghế đá, tường nhà,… chưa được thu gom và xử lý. Không chỉ khó phân huỷ, bã kẹo cao su vứt bỏ bừa bãi cũng gây mất mỹ quan đô thị.

Chưa kể tới việc dọn dẹp bã kẹo cao su thải bỏ bừa bãi vừa phiền toái vừa tốn kém cho chính quyền địa phương. Đây là “cơn ác mộng” của nhiều quốc gia, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Văn phòng Khoa học và Công nghệ của Nghị viện Anh cho biết các chính quyền địa phương đã chi hơn 400 triệu bảng Anh cho việc dọn dẹp đường phố mỗi năm, trong đó phiền hà nhất là dọn bã kẹo cao su. Phải tốn 1,50 bảng Anh để làm sạch mỗi mẩu bã kẹo cao su, trong khi bản thân sản phẩm chỉ tốn vài xu, theo ước tính của Tổ chức Zero Waste Scotland.

Trên thực tế, việc làm sạch bã kẹo cao su bám dính lên các bề mặt được thực hiện hoàn toàn thủ công và khó có thể làm sạch hoàn toàn. Mặc dù tại Việt Nam chưa có thống kê chính thức về chi phí làm sạch bã kẹo cao su, tuy nhiên không khó để tìm thấy bã kẹo cao su ở hầu như khắp mọi nơi ngoài công cộng, không chỉ trên đường phố mà còn cả những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, mặt sông hồ biển,…

Theo thống kê của trang Statista, thị trường kẹo cao su toàn cầu đạt doanh số hơn 32 tỷ USD vào năm 2019. Dựa trên doanh số bán hàng theo khu vực, thị trường tiêu thụ keo cao su lớn nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam cũng là một quốc gia tiêu thụ rất nhiều kẹo cao su. Hiện nay, kẹo cao su tại Việt Nam toàn bộ là mặt hàng nhập khẩu, lợi nhuận của mặt hàng này là rất lớn.

Dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước, việc thải bỏ bã kẹo cao su không đúng cách chủ yếu là do vấn đề thiếu ý thức từ người tiêu dùng về việc thải bỏ sản phẩm đúng cách. Bởi vậy nhiều nước đã có những quy định nghiêm khắc về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với kẹo cao su. Đơn cử, Hàn Quốc áp chi phí 1,8% giá bán hoặc nhập khẩu từ năm 1993; Pháp sẽ áp dụng trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất từ năm 2024.

Trách nhiệm của doanh nghiệp

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), theo đó nhà sản xuất, nhập khẩu dự kiến phải đóng 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su.

Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, kẹo cao su chủ yếu được làm từ nhựa, nên tồn tại trong môi trường tự nhiên gây tác động xấu cho môi trường. Hầu hết các bã kẹo cao su hiện nay tại Việt Nam được thải bỏ trực tiếp ra môi trường, khó phân huỷ, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Việc đưa kẹo cao su vào danh sách các sản phẩm nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng Quỹ bảo vệ môi trường nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với nhà nước và người dân trong việc thu gom, xử lý bã kẹo cao su.

Đồng thời, việc áp dụng chính sách môi trường đối với nhà sản xuất, nhập khẩu cũng khuyến khích họ chuyển hướng sang các sản phẩm tương tự thân thiện hơn với môi trường mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận và nhu cầu của người tiêu dùng. Có thể kể tới một số sản phẩm thay thế cùng loại như kẹo ngậm, nước súc miệng, kẹo cao su có thành phần hoàn toàn thiên nhiên, kẹo ngậm có nicotine…

Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, việc chỉ buộc nhà sản xuất kẹo cao su thực hiện EPR mà không có sự tham gia của người dân và các đối tượng khác sẽ không đảm bảo hiệu quả trong việc giải quyết triệt để vấn đề rác thải kẹo cao su. Thậm chí, mức phí được đề xuất sẽ làm tăng chi phí kinh doanh và do đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm, bởi các nhà sản xuất kẹo cao su có nhà máy ở Việt Nam và đang sử dụng lao động địa phương, theo phân tích của ông Edwin Seah từ Hiệp hội ngành thực phẩm châu Á (FIA).

Tóm lại, quy định các nhà nhập khẩu chia sẻ lợi nhuận, giảm bớt gánh nặng với chính quyền trong vấn đề bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý bã kẹo cao su là hợp lý. Bên cạnh đó cần tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân từ bỏ thói quen thải bỏ kẹo cao su bừa bãi ra môi trường.

Đọc thêm