Theo TAND Tối cao, pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Dự thảo pháp lệnh nêu rõ các nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết khi xét thấy không có biện pháp khác phù hợp hơn. Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người có thẩm quyền phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi chung là người bị đề nghị).
Trong quá trình xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bí mật riêng tư của người bị đề nghị phải được tôn trọng và bảo vệ. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tiếng nói, chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án là tiếng Việt. Người bị đề nghị, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và phải có người phiên dịch. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.
Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; trung tâm trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức là thành viên của mặt trận cử bào chữa viên nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Cần bảo đảm quyền của người bị đề nghị được giải trình trước tòa án, tranh luận với cơ quan đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo dự thảo, TAND cấp huyện hoặc tòa án nơi người bị đề nghị cư trú hoặc tòa án nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của TAND cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
VKS tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp lệnh này. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của tòa án cùng cấp, VKS có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại tòa án đã thụ lý vụ việc đó.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức không được can thiệp trái pháp luật vào việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp với tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có yêu cầu của tòa án.
Quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cá nhân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan phải chấp hành quyết định của tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.
Về thời hạn xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, tòa án phải ra một trong các quyết định: đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 15 của pháp lệnh này.
Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày./.